THÚ VUI CỦA NGƯỜI GIÀ: GIÁO SƯ NÓI GÌ?

Chủ Nhật, 9 tháng 8, 2015

GIÁO SƯ NÓI GÌ?

Trích bài viết của GS>TS Nguyễn Lân Dũng do bạn PhucToanAnh – Y học cổ tuyền Kho báu dân tộc  Post.


"Tôi nói ví dụ như vấn đề số người mắc căn bệnh ung thư hiện nay của chúng ta tăng lên một cách đáng sợ. Vậy tại sao số lượng người bị ung thư lại tăng lên nhiều như vậy? Trong rất nhiều nguyên nhân có một nguyên nhân mà dường như ai cũng biết, song đành phải cố quên đi.
Đó là việc chúng ta đang phải ăn rất bẩn, ăn phải rất nhiều chất gây ung thư có trên các loại rau cỏ, thực phẩm… Tôi đã từng kiến nghị với Bộ Y tế một vấn đề mà chưa được giải đáp đó là Tương.
Tương là món ăn truyền thống rất ngon, đặc biệt là Tương Bần. Tôi đã phải về tận Hưng Yên để xem người ta làm tương như thế nào và tôi thấy sợ cách làm của người dân nơi đây.
Về lý thuyết cách làm tương là ngâm gạo nấu thành xôi sau đó đổ vào nong, chờ lên nấm mốc đó chính là nấm Aspergillus Oryzae một loại nấm tốt men cao chuyển hóa bột thành đường, chuyển hóa đậu tương thành axit amin.
Nhưng khi tôi nhìn vào cái nong của họ thì thấy rằng không phải chỉ có Aspergillus Oryzae mà trăm thứ bà rằn, xanh đỏ tím vàng đủ các loại nấm. Trong đó có một loại nấm có tên là Aspergillus Flavur sinh ra độc tố Aflatoxin cực nguy hiểm có thể gây tổn thương hệ thần kinh trung ương, tim, phổi và sinh ra một số chất độc hại khác.
Ngay những người có chuyên môn như chúng tôi cũng không thể phân biệt được 2 loại nấm Aspergillus Oryzae và Aspergillus Flavur vì chúng rất giống nhau.
Tôi có đề nghị một bà cụ, người khá nổi tiếng vì đã từng được huy chương vàng về làm tương là: cho chúng tôi làm thử một mẻ, với điều kiện là… hãy để chúng tôi giặt nong.
Bà ấy nhìn tôi từ đầu đến chân giống như người ở hành tinh khác đến. Bà nói: Chúng tôi làm tương đã mấy đời nay, và bí quyết của chúng tôi là không giặt nong, đồ xôi xong là đổ ra nong ngay.
Tôi nói với bà, điều này quá nguy hiểm và thuyết phục bà cứ cho chúng tôi giặt nong, nếu hỏng chúng tôi sẽ đền toàn bộ chi phí cho bà, cuối cùng bà cũng đồng ý.
Tôi lấy ra một gói bao tử nấm Aspergillus Oryzae do chúng tôi sản xuất (có giá là 1000 đồng/gói) và nhờ bà đồ xôi rồi rắc bao tử vào. Chúng tôi để lại số điện thoại và ra về. Hai ngày sau, bà gọi điện thoại cho tôi bảo: Bác ơi, chưa lần nào mà mốc nó lại lên đều và đẹp như thế.
Tôi tin là bà nói đúng, vì chúng tôi đã cấy hàng tỉ bao tử nấm vào mà lại chỉ toàn là nấm Aspergillus Oryzae đã được kiểm nghiệm và nghiên cứu kỹ.
Qua chuyện này, tôi kiến nghị với Bộ Y tế là cho kiểm tra Aflatoxin ở các mẫu tương được bán trên thị trường. Để kiểm tra cũng rất đơn giản vì nó phát huỳnh quang khi chiều tia tử ngoại vào.
Nhưng tôi nói cũng không ai nghe, cho đến hôm nay cũng không ai làm!
Một chuyện nữa tôi thấy cũng khá hài hước. Trên TV ngày nào cũng ra rả quảng cáo các loại nước mắm không có vi khuẩn. Điều này thật buồn cười, chả có nước mắm nào có vi khuẩn vì nồng độ muối như vậy lấy đâu ra vi khuẩn.
Còn nhớ đợt dịch tả năm nào cứ đổ cho thủ phạm là mắm tôm. Tôi đã nói trước Quốc hội: không phải do mắm tôm, vì với nồng độ muối của mắm tôm, không có vi khuẩn nào sống được, nhất là vi khuẩn tả là vi khuẩn không có bao tử thì chết ngay, nên không thể đổ tội cho mắm tôm được.
Và kết luận phải chôn các bể mắm tôm ở các làng làm mắm tôn đã gây thiệt hại kinh tế rất lớn cho người dân nhưng về mặt khoa học lại không đúng.
Clip: Tin 100% mẫu rau muống, cá rô phi sông Nhuệ nhiễm chì gây chấn động
VTV
Tôi cũng đã từng kiến nghị với đồng chí Chủ tịch thành phố Hà Nội về vấn đề rau sạch. Một lần tôi được một đồng chí lãnh đạo của Hà Nội đưa đi thăm vùng trồng rau sạch, tôi hỏi anh căn cứ vào đâu để cho là rau này sạch. Anh bảo: Tôi đã ký hợp đồng với họ rồi, họ đã cầm bao nhiêu tiền rồi và cam kết là 5 ngày trước khi hái rau không phun thuốc…
Tôi cười bảo: Thế mà anh cũng tin được à?
Sâu chỉ trong một đêm là nó phá tan cả ruộng, họ chỉ nói vậy thôi chứ không thực hiện đâu. Một nguyên lý quá đơn giản là không có bướm thì không có sâu nên chỉ cần làm nhà lưới là giải quyết được vấn đề.
Với nông dân chỉ cần trang bị đầy đủ nhà lưới, lo đầu ra cho sản phẩm và thuê họ làm với giá hợp lý là giải quyết được ngay vấn đề về rau sạch.
Đấy cũng là một việc không hề khó, mà chúng ta không làm được. Ngoài cách làm này ra không thể tin được vào bất kỳ một loại rau sạch nào khác. Mọi người đừng bao giờ tin khi ra chợ các bà bán rau nói rau của họ bị sâu cắn lỗ chỗ nghĩa là không hề có thuốc sâu.
Đó chẳng qua là “bài” của các tay đầu nậu, họ xui nông dân hãy để cho sâu cắn một ít rồi phun thuốc. Thậm chí có bà bán rau còn dấu một ít sâu trong túi thỉnh thoảng bắt vài con cho bò lổm ngổm trên rau…
Điều này là quá nguy hiểm mà tôi nói thì không ai nghe, và không ai làm cả…
Tại sao chúng ta không nghiên cứu những vấn đề rất cụ thể ví dụ như thuốc trừ sâu sinh học an toàn tuyệt đối với người nhưng diệt sâu rất hiệu quả. Khi trồng rau trong nhà lưới, mà có những vi khuẩn nhỏ vẫn lọt qua nhà lưới như con bọ nhện chẳng hạn, thì sẽ dùng thuốc trừ sâu sinh học.
Hay một ví dụ khác là hiện tượng ô tô, xe máy đang đi tự dưng bốc cháy gây hoang mang trong dư luận thời gian gần đây nhưng người dân không biết hỏi ai. Người thì bảo do chuột cắn, người bảo xăng có methanol, người bảo vấn đề tâm linh… và chẳng ai nghiên cứu về vấn đề này cả.
Như vậy tôi cho rằng phải có những cơ quan được giao nhiệm vụ nghiên cứu và chịu trách nhiệm trả lời về những vẫn đề thuộc phạm vi nghiên cứu của mình. Phải có những phòng nghiên cứu chuyên đề cấp nhà nước.
Ví dụ như về vi sinh vật, tôi xin đảm bảo, hỏi chúng tôi về vấn đề vi sinh vật học chúng tôi sẽ trả lời được. Nếu chúng tôi không trả lời được, chúng tôi sẽ hỏi bạn bè quốc tế, chúng tôi có quan hệ với tất cả các viện nghiên cứu lớn trên thế giới. "


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét