THÚ VUI CỦA NGƯỜI GIÀ: 22. NHỮNG CUNG BẬC CUỘC ĐỜI

Thứ Bảy, 25 tháng 11, 2017

22. NHỮNG CUNG BẬC CUỘC ĐỜI


Song hành cùng đời sống con người là các loại tôn giáo. Cuộc sống đâu chi có màu hồng. Xã hội vẫn còn nhiều bế tắc, đôi khi không còn lối thoát. Vì vậy, người ta tìm đến các tôn giáo như là chỗ thoát thân, hoặc ít nhất cũng là chỗ dựa cho tinh thần thanh thản. Lịch sử để lại cho Việt Nam hai tôn giáo lớn nhất là Thiên chúa giáo và Phật giáo. Thiên chúa giáo thì dậy rằng “Hãy yêu thương người khác như chính mình”. Phật giáo cũng vậy, đời là chốn khổ ải, hày tu tâm, tích đức để sau này hưởng cực lạc. Chết rồi mới là cái vĩnh viễn.


Đời người ngắn ngủi, như là một giấc chiêm bao. Các loại tôn giáo ra đời từ chính con người, và rằng vốn dĩ, tôn giáo nào cũng tốt, đều giáo dục con người hướng thiện. Chân, thiện mỹ là cốt cách sống, Cuộc đời có nhiều cung bậc. Tuổi thanh xuân có nhiều cung bậc nhất, nhưng tuổi già đâu phải ít, chỉ có điều, cung bậc nở hoa, kết trái của nó lại mằm ở tinh thần, sức khỏe của mỗi người. Trong cuộc sống, con người là tổng hòa các mối quan hệ giữa người với người.
 --Đối diện với ông bà, bố mẹ - phải kính trọng, lễ phép vì công sinh thành là không gì sánh nổi;
 --Đối diện với con cái – phải yêu thương hết mực, là bạn tâm giao của chúng;
 --Đối diện với bạn đời – phải cởi mở tấm lòng. Trái tim tuy hai mà một;
 --Đối diện với đồng nghiệp – phải thân ái, giúp đỡ;
 --Đối diện với công việc – phải tận tụy học tập, sáng tạo;
 --Đối diện với chính mình – phải tu nhân, tích đức. Tháo mặt nạ ra và hãy là chính mình.
Riêng đối với các loại tôn giáo đều phải tôn kính, nhưng nếu cuồng tín (dẫn đến mê muội – mê tín dị đoan) thì không nên.
Xin trích lại đây những lời dậy của Phật, tâm sự tuổi già, đối nhân xử thế mà chắc chắn mọi cung bậc cuộc đời, ai cũng phải trải qua.

1. Từ là có thể cho niềm vui. Chúng ta có cho chúng sanh niềm vui không? Nếu như không có, đó tức là chúng ta không dùng hết lòng từ của mình. Chúng ta nên tiến đến mục tiêu “vô duyên đại từ,” là dùng lòng từ bi đối xử với những người không có duyên với mình. Chúng ta không những thông cảm với người cùng trong hoàn cảnh khó khăn, mà chúng ta cũng nên thông cảm với cả loài động vật trong cảnh hoạn nạn nữa. Nếu có chuyện không may xảy ra, chúng ta nên ra tay tiếp đỡ, giúp chúng sanh thoát vòng khổ ải. Đấy là công việc mà Phật tử nên làm. Chúng ta đừng nên có thái độ dửng dưng, chỉ biết đứng nhìn mà không chịu giúp, vì thế là đánh mất tinh thần cứu thế của Phật Giáo. Trái lại, Phật Giáo lấy từ bi làm hoài bão, dùng cửa phương tiện của đạo Phật để tiếp nhận chúng sanh.
2. Bi là có thể bạt trừ khổ não. Chúng ta có thể bạt trừ sự đau khổ của chúng sanh không? Nếu không thể, thì đó là vì chúng ta chưa dùng hết lòng bi của mìmh. Chúng ta nên có tư tưởng “đồng thể đại bi,” cũng tức là thấy người chết chìm như chính mình bị chết chìm, thấy người đói như chính mình bị đói. Phật giáo lấy bi làm tông chỉ, vì bi là lòng lân mẫn, thương xót. Trong khi các nhà Nho nói rằng “bi thiên mẫn nhân” lại cũng phù hợp với ý nghĩa trên. Do đó mà biết rằng tư tưởng của thánh nhân trong thiên hạ đều giống nhau, như cùng xuất phát theo vết bánh xe, không tách rời lòng trắc ẩn xót thương. Phật giáo chủ trương từ bi, Nho giáo đề xướng trung thành và tha thứ. Tâm tâm tương đồng, đấy là cốt tủy của tôn giáo, nếu không thì là dị thuyết của ngoại đạo.
3. Hỷ là tâm vui vẻ. Chúng ta có hoan hỷ vui thích học Phật Pháp không? Chúng ta có sanh ưu sầu, phiền não, hoặc có tâm tư bực dọc không? Nếu quả là có, chúng ta hãy mau sửa đổi, đừng phát sanh tánh tình như thế. Nếu còn chút ít tập khí, rồi dụng công phu từ thất tình lục dục, thì đó là quan niệm sai lầm. Nên hiểu là chúng ta không được tiếp tục có thứ quan niệm sai lầm như thế. Nếu không, chúng ta không thể nào tưởng tượng nỗi hậu quả của nó sẽ ra sao.
4. Xả là tâm buông xả. Chúng ta có tâm buông xả không? Nếu có, vậy là lớn hay nhỏ? Là nhất thời hay là vĩnh viễn? Xả cái gì? Là phát tâm cho chúng sanh sự vui vẻ, bạt trừ cái khổ của chúng sanh và giúp họ trong hoàn cảnh nguy khốn. Nếu làm được như thế, chúng ta sẽ sanh lòng hoan hỷ đến mức vô hạn, nhưng chúng ta đừng nên chấp vào đó - làm xong việc rồi nên quên hết chứ đừng lưu giữ trong tâm thức. Nếu chúng ta chấp mà không quên được, đó không phải là hạnh nguyện của Bồ Tát. Chúng ta nên có tinh thần thi ân bất cầu báo thì mới được xem là người Phật tử chân chánh……
Chúng ta cũng nên tạo cho được một thế giới Cực Lạc. Vậy phải tạo như thế nào? Trước hết là chúng ta phải không có thất tình. Thất tình là gì? Ðó là hỷ, nộ, ai, cụ, ái, ố, dục; tức là vui, giận, buồn, sợ, yêu, ghét, ham muốn. Khi chúng ta điều phục được bảy thứ tình cảm đó, thì chúng sẽ không thể nào tạo phản dấy loạn nữa. Lúc bấy giờ tâm chúng ta sẽ thái bình vô sự, chuyện khổ sở gì cũng không còn. Vì sao có khổ sở? Vì tâm không được bình yên. Và nếu không có những chuyện khổ, chỉ toàn thọ hưởng các điều vui, như vậy là thế giới Cực Lạc của nhân gian rồi.
Một khi chưa hàng phục được thất tình, đó có thể vì chúng mạnh mẽ thái quá hay là yếu ớt bất cập, không phù hợp với trung đạo, cho nên chúng ta mới điên điên, đảo đảo. Nếu chúng ta hiểu rõ thất tình và có thể hàng phục được chúng, khiến chúng đừng gây sóng gió, tức là chúng ta đã hàng phục được tâm. Bởi thất tình từ trong tâm sanh ra, cho nên khi trong lòng hoan hỷ hay bực tức, đó đều là vì tâm đang bị xoay chuyển theo cảnh giới. Bây giờ chúng ta đã tìm ra căn gốc, vậy chúng ta sẽ không còn mê hoặc và cũng sẽ làm cho bọn thiên ma ngoại đạo phải hàng phục. Tại sao thiên ma ngoại đạo đến quấy nhiễu tâm mình? Bởi chúng ta đã dùng tâm tình cảm của mình một cách quá độ. Một khi hướng cầu bên ngoài, tâm chúng ta sẽ không an tĩnh. Do đó chúng ta đã dẫn dắt ma mị vào trong tâm mình để làm chủ nhân ông. Nếu chúng ta nghe theo mệnh lệnh và chịu sự chỉ huy của nó, vậy là chúng ta không còn quyền tự chủ và sẽ làm nô lệ cho nó thôi.
                                             Trích “Khai Thị 6
                                         Hòa Thượng Tuyên Hóa

b-Tâm sự về tuổi già của cựu Thủ tướng Chu Dung Cơ

Ông Chu Dung Cơ (1), cựu Thủ tướng của Trung Quốc đã có một bài tổng kết rất sâu sắc về cuộc đời, đặc biệt là ông nêu quan điểm sống của tuổi già... Với một con người đã từng trải (cả trong cuộc sống đời thường và trên chính trường), chiêm nghiệm nhiều điều trong cuộc sống, bài viết của Ông đáng để chúng ta đọc và suy ngẫm.
Tháng ngày hối hả, đời người ngắn ngủi, thoáng chốc đã già. Chẳng dám nói hiểu hết mọi lẽ nhân sinh, nhưng chỉ có hiểu cuộc đời thì mới sống thanh thản, sống thoải mái. Qua một ngày, mất một ngày. Qua một ngày, vui một ngày. Vui một ngày lãi một ngày…
Hạnh phúc do mình tạo ra. Vui sướng là mục tiêu cuối cùng của đời người, niềm vui ẩn chứa trong những sự việc vụn vặt nhất trong đời sống, mình phải tự tìm lấy. Hạnh phúc và vui sướng là cảm giác và cảm nhận, điều quan trọng là ở tâm trạng.
 
Tiền không phải là tất cả nhưng không phải không là gì. Đừng có coi trọng đồng tiền, càng không nên quá so đo, nếu hiểu ra thì sẽ thấy nó là thứ ngoại thân, khi ra đời chẳng ai mang nó đến, khi chết chẳng ai mang nó theo. Nếu có người cần bạn giúp, rộng lòng mở hầu bao, đó là một niềm vui lớn. Nếu dùng tiền mua được sức khoẻ và niềm vui thì tại sao không bỏ tiền ra mà mua? Nếu dùng tiền mà mua được sự an nhàn tự tại thì đáng lắm chứ! Người khôn biết kiếm tiền, biết tiêu tiền. Làm chủ đồng tiền, đùng làm tôi tớ cho nó.

“Quãng đời còn lại càng ngắn ngủi thì càng phải làm cho nó phong phú”. Người già phải thay đổi cũ kỹ đi, hãy chia tay với “ông sư khổ hạnh” hãy làm “con chim bay lượn”. Cần ăn thì ăn, cần mặc thì mặc, cần chơi thì chơi, luôn luôn nâng cao phẩm chất cuộc sống, hưởng thụ những thành quả công nghệ cao, đó mới là ý nghĩa sống của TUỔI GIÀ.
Tiền bạc rồi sẽ là của con, địa vị là tạm thời, vẻ vang là quá khứ, sức khoẻ là của mình.
Cha mẹ yêu con là vô hạn; con yêu cha mẹ là có hạn. Con ốm cha mẹ buồn lo; cha mẹ ốm con nhòm một cái, hỏi vài câu là thấy đủ rồi. Con tiêu tiền của cha mẹ thoải mái; cha mẹ tiêu tiền của con chẳng dễ chút nào. Nhà cha mẹ là nhà của con; nhà của con không phải là nhà cha mẹ. Khác nhau là thế, người hiểu đời coi việc lo liệu cho con là nghĩa vụ, là niềm vui, không mong báo đáp. Chờ báo đáp là tự làm khổ mình.
Ốm đau trông cậy vào ai? Trông cậy con ư? Nếu ốm dai dẳng có đứa con có hiếu nào ở bên giường đâu “cứu bệnh sàng tiền vô hiếu tử”. Trông vào bạn đời ư? Người ta cũng yếu, có khi lo cho bản thân còn chưa xong, có muốn đỡ đần cũng không làm nổi. Trông cậy vào đồng tiền ư? chỉ còn cách đấy.
Cái được người ta chẳng hay để ý; cái không được thì nghĩ nó to lắm, nó đẹp lắm. Thực ra sự sung sướng và hạnh phúc trong đời tuỳ thuộc vào sự thưởng thức nó ra sao. Người ta hiểu đời rất quý trọng và biết thưởng thức những gì cho mình đã có, và không ngừng phát hiện thêm ý nghĩa của nó, làm cho cuộc sống vui hơn, giàu ý nghĩa hơn.
Cần có tấm lòng rộng mở, yêu cuộc sống và thưởng thức cuộc sống, trông lên chẳng bằng ai, trông xuống chẳng ai bằng mình “Tỷ thượng bất túc, tỷ hạ hữu dư”, biết đủ thì lúc nào cũng vui “tri túc thường lạc”.
Tập cho mình nhiều đam mê, vui với chúng không biết mệt mỏi, tự tìm niềm vui. Tốt bụng với mọi người, vui vì làm việc thiện, lấy việc giúp người làm niềm vui.
Con người ta vốn chẳng phân biệt giàu nghèo sang hèn, tận tâm vì công việc là coi như cống hiến, có thể yên lòng, không hổ thẹn với lương tâm là được. Huống hồ người ta cũng nghĩ cả rồi, ai cũng thế cả, cuối cùng là trở về với tự nhiên. Thực ra ghế cao chẳng bằng tuổi thọ cao, tuổi thọ cao chẳng bằng niềm vui thanh cao.
Quá nửa đời dành khá nhiều cho sự nghiệp, cho gia đình, cho con cái, bây giờ thời gian còn lại chẳng bao nhiêu nên dành cho mình, quan tâm bản thân, sống thế nào cho vui thì sống, việc gì muốn làm thì làm, ai nói sao mặc kệ vì mình đâu phải sống để người khác thích hay không thích, nên sống thật với mình.
Sống trên đời không thể vạn sự như ý, có khiếm khuyết là lẽ thường tình ở đời, nếu cứ chăm chăm cầu toàn thì sẽ bị cái cầu toàn làm khổ sở. Chẳng thà thản nhiên đối mặt với hiện thực, thế nào cũng xong.
Tuổi già tâm không già, thế là già mà không già; tuổi không già tâm già, thế là không già lại thành già. Nhưng giải quyết một vấn đề thì nên nghe già.
Sống phải năng hoạt động nhưng đừng quá mức, ăn uống quá thanh đạm thì không đủ chất bổ, quá nhiều thịt cá thì không hấp thụ được. Quá nhàn rỗi thì buồn tẻ, quá ồn ào thì khó chịu… mọi thứ đều nên “VỪA PHẢI”.
Người ngu gây bệnh (hút thuốc, say rượu, tham ăn, tham uống….) Người dốt chờ bệnh (ốm đau mới đi khám chữa bệnh….) . Người khôn phòng bệnh, chăm sóc bản thân, chăm sóc cuộc sống. Khát mới uống, đói mới ăn, mệt mới nghỉ, thèm ngủ mới ngủ, ốm mới chữa bệnh….ĐỀU LÀ MUỘN.
Phẩm chất sống người già cao hay thấp chủ yếu tuỳ thuộc vào cách suy tưởng :
Suy tưởng hướng lợi là bất cứ việc gì đều xét theo yếu tố có lợi, dùng suy tưởng hướng lợi để xây dựng cuộc sống tuổi già sẽ làm cho tuổi già đầy sức sống và tự tin, cuộc sống có hương, có vị.
Suy tưởng hướng hại là suy tưởng tiêu cực, sống qua ngày với tâm lý bi quan, sống như vậy sẽ chóng già chóng chết.
“Chơi” là một trong những nhu cầu căn bản của tuổi già, hãy dùng trái tim con trẻ để tìm cho mình một trò chơi yêu thích nhất, trong khi chơi hãy thử nghiệm niềm vui chiến thắng, thua không cay, chơi là đùa. Về tâm lý và sinh lý, người già cũng cần kích thích và hưng phấn để tạo ra một tuần hoàn lành mạnh.
 “Hoàn toàn khoẻ mạnh” đó là nói thân thể khoẻ mạnh, tâm lý khoẻ mạnh và đạo đức khoẻ mạnh.. Tâm lý khoẻ mạnh là biết chịu đựng, biết tự chủ, biết giao tiếp; Đạo đức khoẻ mạnh là có tình yêu thương, sẵn lòng giúp người, có lòng khoan dung, người chăm làm điều thiện sẽ sống lâu…
Con người là con người xã hội, không thể sống biệt lập, bưng tai bịt mắt, nên chủ động tham gia hoạt động công ích, hoàn thiện bản thân trong xã hội, thể hiện giá trị của mình đó là cách sống lành mạnh.
Cuộc sống tuổi già nên có nhiều bạn gìà trong nhiều thành phần,nhiều mẫu người với nhiều màu sắc khác nhau trong xã hội. Có một hai bạn tốt thì chưa đủ, nên có cả một nhóm bạn già, tình đẹp làm thêm cuộc sống tuổi già, làm cho cuộc sống của bạn nhiều hương vị, nhiều màu sắc.
Con người ta chịu đựng, hoà giải và xua tan nỗi đau đều chỉ có thể dựa vào chính mình. Thời gian là vị thầy thuốc giỏi nhất, quan trọng là khi đau buồn bạn chọn cách sống như thế nào.
Tại sao khi về già người ta hay hoài cổ “hay nhớ lại chuyện xưa?” Đến những năm cuối đời, người ta đã đi đến cuối con đường sự nghiệp, vinh quang xưa kia đã trở thành mây khói xa vời, đã đứng ở sân ga cuối. Tâm linh cần trong phòng, tinh thần cần thăng hoa, người ta muốn tìm lại những tình cảm chân thành. Về lại chốn xưa, gặp lại người thân, cùng nhắc lại những ước mơ thủa nhỏ, cùng bạn sống. Quý trọng và được đắm mình trong những tình cảm chân thành là một niềm vui lớn của tuổi già.

Nếu bạn đã cố hết sức, mà vẫn không thay đổi tình trạng không hài lòng thì mặc kệ nó. Đó cũng là một sự giải thoát. Chẳng việc gì cố mà được, quả ngắt vội không bao giờ ngọt.

“SINH – LÃO – BỆNH – TỬ” là quy luật ở đời, không chống lại được. Khi thần chết gọi thì thanh thản mà đi. Cốt sao sống ngay thẳng không hổ thẹn với lương tâm và cuối cùng đặt cho mình dấu chấm hết thật TRÒN.
                                               Dịch giả:  TS. Lê Thanh Dũng (AlanPhan)
-------------------------
(1) Theo dịch giả Lê Thanh Dũng, tác phẩm: “Tâm sự tuổi già – Đôi điều cảm ngộ” là của tác giả Chu Dung Cơ (cựu Thủ tướng Trung Quốc). Theo dịch giả Trang Hạ, tác phẩm:“Tâm sự tuổi già – Đôi điều cảm ngộ” là của tác giả Dương Trạch Tế, người Trung Quốc.
Bài viết đã được biên soạn dưới dạng Vidio Clip, mời các bạn cùng lắng nghe

                                                 https://www.youtube.com/watch?v=_zkJ4jX8J54
c-Khắc cốt ghi tâm: 3 lời không nói, 3 việc không làm, 3 người không kết giao

Cuộc sống là vở kịch dài, nhiều tập. Mỗi người trong đó là một diễn viên. Theo thời gian, nay là diễn vai này, mai đã đóng vai khác. Từ buổi sinh ra, tập tọe bố, mẹ, ông ơi, bà ơi… đến những bước đi chập chững đầu đời. Khi tuổi thần tiên kết thúc thì những ước mơ trở thành bác sỹ, kỹ sư có thể đã là sự thực. Dù ở vị trí công tác nào, bổn phận hoàn thành trách nhiệm của một con người theo đúng nghĩa của nó, phải làm ta say mê và một tình yêu say đắm với công việc dẫn dắt ta đi tới tìm tòi sáng tạo. Thế đó, yêu thích thì say mê, say mê thì sáng tạo.
Đối nhân xử thế là nghệ thuật sống ở đời. Chẳng phải “gió chiều nào che chiều ấy” nhưng “khôn chết, dại chết, biết thì sống” đã là những lời khuyên. Biết mình, biết người, trăm trận trăm thắng, suy rộng ra, cái gì cũng phải nên biết. Biết rồi thì chắc chắn chữ ‘NGỜ’ đã không xảy ra. Trong giao tiếp giữa người với người, nhất định hãy nhớ kỹ ba lời không nên nói, ba việc không nên làm, và ba loại người không nên kết giao.

Ba lời không nói đó là
1. Những lời bóc mẽ khuyết điểm của người
Làm người, ai ai cũng có khuyết điểm, ai ai cũng khó tránh khỏi đôi lần mắc lỗi. Những lỗi lầm hay khuyết điểm ấy, dẫu lớn nhỏ thế nào, cũng cần được cảm thông và dung thứ.
Bởi vậy, khi nói chuyện cần phải tinh tế, không nên lấy “lòng dạ ngay thẳng” làm cái cớ để không còn giữ mồm giữ miệng. Dù là người thẳng thắn thật thà, cũng không nên bóc trần khuyết điểm của người khác. Trong bất kể trường hợp nào, nói chuyện mà không để tâm đến cảm xúc của đối phương sẽ rất dễ khiến người ta bị dồn vào chân tường mà không có đường lui.
2. Những lời thổi phồng bản thân
Được người khác khen ngợi, đó gọi là danh tiếng; còn tự mình khen ngợi, đó gọi là khoe khoang.
Một người không chút lý trí, lải nhải không thôi, sẽ trở nên tầm thường thiển cận, thiếu hàm dưỡng và cũng không được hoan nghênh.
Dù chúng ta thật sự có tài năng thì cũng không cần phải nói lời khoác lác, người khác tự nhiên sẽ biết được năng lực và ưu điểm của mình.
Vậy nên những lời thổi phồng bản thân, tốt nhất là đừng nên nói.
3. Những lời vô bổ không giá trị
Thay vì nói lời vô ích, chi bằng nói lời chuẩn mực; thay vì nói nhiều mà vô nghĩa, chi bằng nói ít mà trúng vào trọng tâm.
Người thông minh thì thường kiệm lời.

Ba việc không làm
1. Những chuyện tự rước phiền não
Không nên so sánh bản thân với người khác. Có câu nói rằng: “So sánh với người, tự mình tức chết”, so đi so lại, bản thân cuối cùng được gì đây?
Nếu như thật sự phải so sánh, thì hãy nhìn lại chính bản thân mình, đối chiếu với ngày hôm qua, thì bản thân của hôm nay có vui vẻ hơn không, hạnh phúc hơn không? Nếu câu trả lời là không, đó mới chính là điều cần phải so sánh.
2. Những chuyện thay đổi người khác
Mỗi người đều có thói quen và cách sống của riêng mình, không có điều gì đúng sai tuyệt đối, cũng không có ai là toàn diện cả.
Thay vì thay đổi người khác, chi bằng thay đổi chính mình. Thật ra, bản thân bạn mới chính là người cần thay đổi để luôn hoàn thiện hơn.
Thay vì chỉ trích người khác, giận dỗi người khác, đòi hỏi người khác phải thay đổi theo mong muốn của ta, chi bằng hãy chung sống hòa thuận, dĩ hoà vi quý, mọi mâu thuẫn lớn nhỏ đều không để trong tâm.
Vạn sự vạn vật bởi có cao có thấp, có lớn có nhỏ, có đen có trắng, có xấu có đẹp, mới tạo nên sắc màu của cuộc sống. Chấp nhận người khác, cũng là chấp nhận sự phong phú của đất trời, đồng thời còn giúp nội tâm an hoà tĩnh lặng hơn.
Thay đổi để hoàn thiện chính mình là giá trị khiến mọi người xích lại gần nhau hơn.

3. Những chuyện ham chiếm tiện nghi
Nói đến lợi ích, có những thứ rất bề mặt, ai ai cũng nhìn thấy được. Nhưng lại có những thứ rất ẩn hình, tưởng là “phúc” đấy, thực ra lại là hoạ, tưởng là “lợi” đấy, thực ra lại thiệt thòi nhiều hơn.
Bởi vậy, chỉ có người dại mới ham chiếm tiện nghi, tranh tranh đấu đấu, tìm cách vơ lợi ích về mình. Họ tưởng rằng đó là khôn ngoan, nhưng cuối cùng lại khiến bản thân phải chịu thiệt nhiều hơn.
Ngược lại, người khôn sẽ không vì cái lợi trước mắt mà chiếm đoạt tiện nghi bất chính. Họ hiểu rõ đạo lý nhân quả, muốn được thì phải biết phó xuất, trên đời không có “của Trời cho”. Vậy nên, họ sẵn sàng chịu thiệt, nhường một bước để thấy biển rộng trời cao. Kỳ thực, chịu thiệt chính là phúc, có những lúc chịu thiệt mới có thể nhận được phúc báo sau này.
Nói đi nói lại, cũng chính là: Muốn nhận được hồi báo, thì phải học cách cho đi.
Ba loại người không kết giao
1. Người hờ hững vô tình
Một người ngay đến cả thân nhân của mình cũng không muốn quan tâm, vậy làm sao có thể yêu mến bạn bè, yêu mến người khác được đây?
Những người hờ hững vô tình, lòng dạ sắt đá, lạnh lùng băng giá – kiểu người như vậy tuyệt đối đừng kết giao!
Nếu muốn kết giao thì hãy kết giao với những người coi trọng tình cảm, hiếu thảo với cha mẹ, thuận hoà với anh em, chân thành với bạn bè.
Những người coi trọng tình thân, quý trọng tình bạn, mới thực sự đáng để kết giao.
2. Người hám lợi
Trên thế giới luôn có kiểu người chỉ biết đến lợi ích, trong tâm của họ ích lợi luôn vượt trên hết thảy. Loại người như vậy sẽ chỉ biết lợi dụng người khác, thậm chí vì lợi ích mà sẵn sàng bán đứng cả thân nhân bạn bè.
Trong cuộc sống, nếu giao du với loại người này bạn sẽ mãi là đối tượng bị bòn rút, là vật trong túi bị đem ra đổi trao, mua bán.
Đương nhiên họ cũng biết phó xuất, nhưng phó xuất của họ chỉ là quân cờ để nhận được lợi ích lớn hơn, thu lợi nhiều hơn từ người khác. Loại người này đương nhiên không thể kết giao rồi!
Vì lợi ích mà sẵn sàng bán đứng cả thân nhân bạn bè, người như vậy có thể kết giao không?

3. Người không giữ lời
Khổng Tử nói: “Nhân vi vô tín, bất tri kỳ khả dã”, nghĩa là, người không có chữ tín sẽ chẳng làm chi nên việc.
Chính là nói, con người phải coi trọng lời hứa, nói sao làm vậy, đã mở miệng là phải giữ lời, không thể lúc thì thế này lúc lại thế khác, sẽ khiến đối phương rơi vào tình thế khó xử.
Trong cuộc sống, giao du với người nói mà không giữ lời thật đúng là ác mộng, ôm giữ hy vọng với người không xem trọng lời hứa quả thật là phí hoài thời gian.
Họ cứ biến đổi liên tục, chuyện nói buổi trưa, buổi chiều đã đổi khác; chuyện được quyết định ngày hôm qua, hôm nay đã trở thành đống giấy vụn.
Bạn bè quý ở sự chân thành, người có khuyết điểm khác đều có thể thông cảm được, nhưng nói mà không giữ lời sẽ khiến người ta không biết được câu nào là thật câu nào là giả. Với người như vậy, cho dù bạn vẫn tỏ lòng kính trọng nhưng không nên gần gũi, bởi ai ai cũng không thể phí hoài đi nghe lời nói suông mà không bao giờ được thực hiện.
Thiện Sinh

Cuộc đời ngắn chắng tày gang. 30 năm đầu leo dốc, 30 năm sau bươn chải. Có người thành đạt, tiền tài, địa vị toại nguyện, nhưng có người loanh quanh cơm, áo, gạo tiền cho đủ bữa ăn. Cũng có người gặp rủi ro, bất trắc hay những việc bất kha kháng mà cuộc đời rơi vào cảnh sống khốn cùng. Đời là vậy, mấy khi tất cả công bằng. 30 năm sau nữa, xuống dốc, đi đến tận cùng cuộc đời. Con đường sống khép lại. Nhắm mắt xuôi tay, bỏ lại đằng sau tất cả. Cát bụi trở về cát bụi.
Quanh ta, thỉnh thoảng có một đám ma. Tiếng kèn ò e í e, tâm hồn như chững lại, một đời ngăn ngủi. Vỳ vậy, phải sống sao cho ra sống, sống có ích cho đời, sống không hổ thẹn với lương tâm. Cuộc sống được chất chồng hành động đẹp thì người bình thường như chúng ta, có ý nghĩa lắm chứ. Hành động đơn sơ, giản dị, hành động đẹp là hành động của người anh hùng.
Đã bao giờ bạn nghĩ rằng, chết nằm xuống, vẫn là người có ích? Bạn hãy hiến tặng đôi mắt sáng, hiến tặng mô, tạng cho y học. Bạn đã sống Trường Thọ, người sống thì ngàn lần ca ngợi. Bạn Đẹp Vĩnh hằng.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét