Thận giữ nhiệm vụ lọc và đào thải những chất cặn bã trong cơ thể, do đó, việc bảo vệ bộ phận này rất quan trọng.
ThS.BS Huỳnh Ngọc Phương Thảo, Trưởng Khoa Nội Thận - Thận
nhân tạo, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, bệnh thận là kẻ giết người thầm lặng
và thực tế không hiếm gặp.
Thống kê trên thế giới có khoảng 10% dân số mắc bệnh thận
mạn, tương đương khoảng 850 triệu người và 2 triệu người cần áp dụng biện pháp
điều trị.
Vai trò của thận trong cơ thể
Bác sĩ Phương Thảo cho biết hàng năm, phòng khám Nội thận
của Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM tiếp nhận hơn 30.000 lượt người đến khám và
số lượng tăng 30% qua các năm.
Bệnh thận ngày càng phổ biến trong cộng đồng, trong khi
nhận thức của người dân về vấn đề này chưa cao. Trong cơ thể, thận giữ nhiệm vụ
lọc và đào thải những chất cặn bã, giữ cho các yếu tố nước, điện giải, kiềm
toan được quân bình.
Nếu các chất thải này không được đào thải, cơ thể sẽ mệt
mỏi, không có sức làm việc, thiếu máu, chán ăn, buồn nôn, mất ngủ, thậm chí hôn
mê, co giật. Những triệu chứng này xảy ra khi bệnh thận ở giai đoạn cuối. Người
bệnh thận thường biểu hiện phù mặt, tay chân, tiểu ít hơn thường ngày, nước tiểu
có nhiều bọt, da xanh xao…
Trong giai đoạn đầu, khi chúng ta có thể đẩy lùi hoặc ít
ra làm chậm tiến triển bệnh thận, hầu như bệnh lại không có triệu chứng rõ ràng
mà chỉ có thể phát hiện qua xét nghiệm máu, nước tiểu và siêu âm thận.
Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến thận mạn là các bệnh lý tại
thận, tăng huyết áp và đái tháo đường. Tiến triển của bệnh thận mạn tính nặng dần,
làm mất chức năng thận và người bệnh phải dùng các biện pháp điều trị thay thế.
Duy trì thói quen tốt cho thận
- Tập thể dục ít nhất 30 phút/ngày
Việc duy trì thói quen rèn luyện thể thao khoảng 30 phút
mỗi ngày, 5 ngày trong tuần sẽ giúp cơ thể khỏe mạnh, cân nặng lý tưởng. Lối sống
năng động này cũng giúp bạn giảm nguy cơ bệnh thận mạn.
Chúng ta có thể có thể chạy bộ, đạp xe đạp, bơi lội,
yoga… hoặc bất cứ môn thể thao nào làm đổ mồ hôi và tiêu hao bớt năng lượng dư
thừa.
Duy trì tập luyện thể dục là thói quen tốt cho sức khỏe,
phòng ngừa bệnh tật. Ảnh minh họa: Tirachard/Pexels.
- Ăn uống lành mạnh
Điều này giúp giảm huyết áp, phòng tránh bệnh đái tháo đường,
bệnh tim mạch và các rối loạn khác liên quan bệnh thận mạn. Ăn uống lành mạnh
là bổ sung đầy đủ các loại thực phẩm đủ năng lượng, hạn chế muối, ăn nhiều rau
xanh, trái cây, hạn chế bột đường.
Đặc biệt, bạn nên giảm lượng muối tiêu thụ hàng ngày và
nên duy trì ở mức không quá 6 g/ngày, tương đương một muỗng cà phê gạt ngang. Bạn
cũng có thể hạn chế đồ hộp, thực phẩm chế biến sẵn như lạp xưởng, xúc xích,
khô, mắm… để giảm bớt muối hàng ngày.
"Bác sĩ thường gặp câu hỏi ăn gì để bổ thận song thực
tế chưa thấy thực phẩm nào chứng minh được là bổ thận. Vì vậy, chúng ta nên duy
trì chế độ ăn hài hòa, đầy đủ dưỡng chất là khoa học nhất", bác sĩ Thảo
khuyến cáo.
Kiểm tra huyết áp, đường huyết là điều nên làm nhất là
khi bạn có yếu tố nguy cơ mắc bệnh thận. Ảnh minh họa: Pexels.
- Kiểm soát đường trong máu
Khoảng 50% người bệnh không biết mình mắc bệnh đái tháo
đường nếu không xét nghiệm hoặc khi xảy ra biến chứng. Do đó, bạn nên kiểm tra
đường huyết thường xuyên nếu bản thân có yếu tố nguy cơ (tuổi trung niên).
Khoảng 50% bệnh nhân đái tháo đường sẽ bị tổn thương thận,
nếu không được điều trị tốt sẽ suy thận, thậm chí là suy thận.
- Kiểm soát tốt huyết áp
Khoảng 50% người bệnh huyết áp cao nhưng không có triệu
chứng rõ ràng, càng để lâu, nguy cơ ảnh hưởng chức năng thận càng lớn. Vấn đề
này đặc biệt quan trọng với người trên 40 tuổi. Huyết áp được xem là bình thường
ở mức 120/80 mmHg.
Người bệnh được xem là tăng huyết áp nếu được đo 2 lần ở
2 ngày khác nhau có huyết áp tâm thu lớn hơn hoặc bằng 140 mmHg và/hoặc huyết
áp tâm trương lớn hơn hoặc bằng 90 mmHg, theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Bác sĩ Thảo khuyến cáo tăng huyết áp đi kèm đái tháo đường,
rối loạn lipid máu sẽ làm tổn thương thận nặng hơn, người bệnh cũng dễ mắc các
biến chứng tim mạch như nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não.
- Uống đủ nước
Trong điều kiện sinh hoạt bình thường, một người khỏe mạnh
cần tiêu thụ khoảng 8 ly nước/ngày, tương đương 2 lít nước. Số lượng này có thể
tăng lên khi vận động, thời tiết, tình trạng sức khoẻ, có thai hoặc cho con bú.
Với người hoạt động gắng sức, trời nắng nóng, đổ mồ hôi
nhiều, bị nôn, tiêu chảy thì cần phải uống nhiều hơn lượng nước bình thường.
- Nói không với thuốc lá
Thuốc lá có thể làm giảm lưu lượng máu đến thận, làm thận
tổn thương và hoạt động kém hiệu quả. Hút thuốc lá cũng làm tăng nguy cơ ung
thư thận lên gấp 1,5 lần so với người không hút thuốc lá.
- Không tự ý dùng thuốc kháng viêm, giảm đau
Các thuốc giảm đau, kháng viêm non-steroid như ibuprofen,
diclofenac, celecoxib… nếu dùng lâu dài có thể ảnh hưởng chức năng thận, thậm
chí là nguy cơ đưa đến suy thận giai đoạn cuối.
Do đó, người bệnh chỉ nên dùng những thuốc này theo hướng
dẫn của bác sĩ và dùng trong thời gian ngắn.
Ngoài ra, những loại thuốc không rõ nguồn gốc, dù chỉ là
cây cỏ, thực phẩm chức năng cũng cần chuyển hoá và đào thải qua thận. Vì vậy,
trước khi dùng bất cứ loại sản phẩm nào, người bệnh nên tham khảo ý kiến của
nhà chuyên môn, không vội tin lời mách của bạn bè, mạng xã hội.
- Kiểm tra chức năng thận
Nếu bạn có yếu tố nguy cơ như đái tháo đường, tăng huyết
áp, béo phì, tiền sử gia đình mắc bệnh thận... cần khám định kỳ thường xuyên và
kiểm tra chức năng thận.
Đái tháo đường, tăng huyết áp là một trong những nguyên
nhân dễ dẫn đến suy thận mạn, thường có triệu chứng thầm lặng, chỉ phát hiện ra
nếu chúng ta xét nghiệm máu và nước tiểu.
Béo phì dễ dẫn đến hội chứng chuyển hoá, là một trong những
nguyên nhân ảnh hưởng đến mạch máu thận, tiểu protein, tăng áp lực cầu thận và
cuối cùng dẫn đến suy thận.
Ngoài ra, các bệnh di truyền về thận như bệnh thận đa
nang, bệnh thận xốp tủy, bệnh cầu thận, ống thận mô kẽ… cũng là yếu tố nguy cơ
cao dẫn đến suy thận.
- Bích
Huệ Zingnew.com.vn/