THÚ VUI CỦA NGƯỜI GIÀ: Đối xử trân trọng với người nghèo

Thứ Hai, 14 tháng 6, 2021

Đối xử trân trọng với người nghèo

 

Một ngày nọ, có một người ăn mày bước vào một tiệm bánh ngọt nổi tiếng. Ông ta ăn mặc rách rưới và hôi hám đến nỗi khách hàng không ai dám ngồi gần ông vì phải nín thở.

Người bán hàng đứng phía sau quầy cố tình đuổi ông đi. Nhưng người ăn mày lấy ra mấy đồng tiền lẻ và nói rằng ông ta vào đây không phải để xin tiền và ông ta đã tiết kiệm rất lâu mới có ít tiền và muốn ăn thử các thứ bánh ngọt.

Khi người chủ tiệm chứng kiến được việc này, ông ta đi về phía người ăn mày một cách lịch sự và đưa cho người ăn mày hai đĩa bánh ngọt nóng hổi. Ngoài ra, ông ta cúi xuống người ăn mày và nói “Cám ơn ông đã mua bánh. Xin ông trở lại! ”

Trước đây, không cần biết khách hàng sang trọng lịch sự đến dường nào, ông chủ luôn luôn yêu cầu nhân viên phục vụ cho họ. Mọi người kinh ngạc khi thấy ông chủ đích thân phục vụ người ăn mày với một tư cách hết sức lễ phép.

Ông chủ giải thích: “Khách hàng thường xuyên của chúng ta, dĩ nhiên... ta rất quý họ, nhưng tất cả họ là người giàu có. Đối với họ mua vài cái bánh ngọt không đáng gì cả, rất là đơn giản. Nhưng người ăn mày hôm nay thì khác. Ông ta phải tiết kiệm tiền rất lâu, một ngày một chút. Đây là cơ hội không có thường xuyên. Nếu tôi không tự tay phục vụ, thì làm sao tôi được chút danh dự này? ”

“Nếu đúng như thế, tại sao ông lại lấy tiền? ”

Ông chủ cười và nói: “Ông ta đến đây với tư cách là một khách hàng, không phải là ăn xin. Chúng ta phải tôn trọng điều đó. Nếu tôi không lấy tiền, thì tôi khinh rẻ ông ta.

Chúng ta phải nhớ rằng chúng ta phải tôn trọng từng người khách một, thậm chí ngay cả người ăn mày. Và mọi thứ mà chúng ta có được là từ khách hàng.”

Ông chủ là ông nội của Tsutsumi, một nhà thương mại đại thành công, người mà đã được báo “Forbes Global” nhắc đến hai lần. Thử tưởng tượng sự đối xử của ông chủ này đã truyền lại cho Tsutsumi, lúc đó mới 10 tuổi...! Sau này, Tsutsumi nhắc đến câu chuyện này thường xuyên cho nhân viên của ông trong các lớp huấn luyện, và yêu cầu tất cả nhân viên của ông phải tôn trọng khách hàng.

Chủ đích của câu chuyện này, không phải là lề lối của xã hội, nhưng với một sự hiểu biết sâu sắc, chăm sóc, thương yêu và kính trọng từ đáy lòng mình đối với người khác. Nó không bị chi phối bởi bất cứ sự lợi nhuận, hay thua lỗ, cũng không bị ảnh hưởng bởi địa vị hay chức vụ trong xã hội. Vì thế, nó rất là thuần khiết và được nhận nhiều nhất.

BÁN CÁI GIẾNG, KHÔNG BÁN NƯỚC GIẾNG

Ở làng nọ có một người đàn ông thông minh sở hữu một cái giếng nhưng anh ta không dùng gì đến nó nên quyết định bán cho bác nông dân gần nhà. Một hôm, khi đi ngang qua thấy bác nông dân đang múc nước từ giếng lên để nấu ăn, tưới hoa màu, nuôi gia súc..., gã thông minh lập tức ngăn lại và không cho phép bác nông dân múc nước từ giếng lên.

Gã thông minh lên tiếng:

- Tôi chỉ bán cho ông cái giếng, tôi không bán nước cho ông. Vì thế, ông không thể lấy nước từ cái giếng này được.

Bác nông dân rất buồn mà không biết phải làm sao. Giếng thì mình đã mua rồi, nhưng đúng là mình không trả tiền mua nước từ cái giếng. Giờ giếng có đầy nước mà không được dùng, trong khi cả gia đình mình, hoa màu và gia súc đều cần đến nguồn nước sạch từ cái giếng này.

Nghĩ mãi không biết làm thế nào để giải quyết với người đàn ông kia, bác nông dân quyết định mang lên trình quan huyện xét xử, mong lấy lại công bằng. Lên cửa quan, bác nông dân tường thuật lại đầu đuôi câu chuyện, không giấu giếm bất cứ điều gì, hòng mong lấy lại được công bằng cho gia đình mình.

Quan huyện gọi người đàn ông thông minh kia lên và hỏi:

- Tại sao ngươi không cho ông ta dùng nước trong giếng? Chẳng phải ngươi đã bán cái giếng đó rồi sao?

- "Dạ, bẩm quan. Con chỉ bán cái giếng cho ông này, chứ con không bán nước trong giếng. Do đó, ông ta không có quyền lấy nước của nhà con. Giờ nếu muốn lấy nước, ông ta phải trả thêm tiền mua nước chứ" - Người đàn ông đáp, chắc bẩm lý lẽ đã thuộc về tay mình.

Quan huyện nhìn người đàn ông, khẽ mỉm cười và trả lời:

- Ồ, ngươi nói rất có lý. Thế nhưng, khi ngươi đã bán cái giếng cho người nông dân này, cái giếng đã thuộc quyền sở hữu của anh ta; còn nước trong giếng vẫn thuộc sở hữu của ngươi. Vậy thì ngươi không có quyền được để nước dự trữ trong giếng của người nông dân nữa.

Quan tòa ngẩng lên nhìn gã thông minh và khẳng định đanh thép:

- Bây giờ chỉ có 2 lựa chọn: Một là ngươi phải trả tiền cho bác nông dân để thuê cái giếng dự trữ nước. Hai là ngươi phải mang toàn bộ nước ra khỏi cái giếng ngay lập tức.

Gã thông minh cúi đầu buồn bã, không biết làm gì để biện minh cho hành động của mình nữa. Anh ta đã bị chính trí thông minh của mình hại rồi.

Thế mới nói, trong cuộc sống, dù bạn thông minh đến đâu cũng sẽ luôn có những người khác thông minh hơn bạn. Ðó là lý do con người sinh ra luôn phải học hỏi không ngừng, dù là lúc ở tuổi thanh niên hay khi đã về già. Vậy nên đừng để trí thông minh sẽ phản tác dụng và khiến bạn "tự mình hại mình" nếu không biết sử dụng đúng cách nhé. (Sưu tầm).
. Đường liên kết của video      https://youtu.be/ExDy3mCeOmE


Tên tệp KHÁCH HÀNG & BÁN GIẾNG.wmv

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét