Rồng là một con vật huyền thoại quen thuộc ở phương Đông và
khá quen biết ở phương Tây. Ở Việt Nam, con rồng là một hình tượng có vị trí đặc
biệt trong văn hoá, tín ngưỡng và là biểu tượng linh thiêng liên quan đến truyền
thuyết “Con Rồng, cháu Tiên”.
CHÚC MỪNG NĂM MỚI
Năm hết Tết đến, rước lộc vào nhà, quà cáp bao la, mọi nhà no
đủ, vàng bạc đầy tủ, gia chủ phát tài, già trẻ gái trai sum vầy hạnh phúc. Xin
chúc cả nhà, thăng hoa tiến chức. Phúc đức có dư, sức khỏe có thừa. Một năm thắng
lợi.
Văn hóa phương Đông rất kính trọng và coi rồng là một loại thú
linh. Rồng có mình rắn, vảy cá, bờm sư tử, sừng hươu và biết bay. Theo từ điển
Việt Nam của Lê Văn Đức, rồng là con vật mình dài, có vảy to, miệng rộng, một
sừng, chân có vấu, được sinh ra ở dưới nước nhưng lại biết bay trên mây. Người
xưa tin rằng bốn biển lớn là Ðông Hải, Tây Hải, Bắc Hải và Nam Hải, mỗi nơi đều
có một Long Vương ngự trị.
Rồng vừa biết trườn như rắn, lại thêm chân, thêm móng, vừa có
cánh bay trên trời, vừa bơi trong nước, vừa chạy trên bộ như khủng long... Rồng
có thể hút nước, phun mưa, lại khạc ra lửa, làm chủ trên mọi môi trường, trên
mọi địa hình địa vật. Rồng có nhiều, loại có vảy gọi giao long, loại có sừng
trên đầu là cầu long, loại có cánh bay gọi là ứng long, loại không bay gọi là
bàn long... Ðặc biệt, rồng có cặp mắt lồi rất lớn, sáng quắc như lộ hào quang
trông thật dữ tợn. Rồng thở ra khói, phun ra lửa hoặc nước. Miệng rồng rất rộng
với nhiều răng lởm chởm chìa ra ngoài như miệng cá sấu. Về nơi ẩn thân, rồng
thường ở những nơi có nước. Vì vậy mới có câu "Long đàm Hổ huyệt" hay
"hang Hổ, đầm Rồng" để chỉ những địa thế âm u, hiểm trở hay chỗ náu
thân của những tay chọc trời khuấy nước.Về màu sắc, có các loại Rồng xanh,
trắng, đỏ, đen hay vàng. Trong số này, rồng vàng cao qúi nhất nên được dùng để
tượng trưng cho Thiên Tử. Vì vậy, áo của vua được gọi là Long Bào có thêu rồng
vàng bốn chân, năm móng. Huyền thoại còn cho rằng rồng đực ngậm một viên ngọc
rất qúi trong miệng, do đó nhiều tranh cổ vẽ cảnh hai con rồng tranh một viên
ngọc gọi là "Lưỡng Long Tranh Châu". Ðôi khi cũng có những bức tranh
vẽ hai con rồng vờn mặt trăng gọi là "Lưỡng Long Chầu Nguyệt". Người
ta còn phân biệt được cả Rồng đực lẫn Rồng cái bằng cách nhìn vào phần đuôi. Ðuôi
rồng đực cuộn lại cứng như một cây côn dùng để làm vũ khí mỗi khi xung trận,
còn đuôi rồng cái lại xòe ra như chiếc quạt.Theo ghi nhận của người xưa, rồng
là một loại thần với 1.000 loài có thể ở trên trời hoặc dưới nước. Bởi vậy,
rồng là con vật dễ vẽ nhất, không ai cãi được. Trong khi đó, 11 con giáp (Tí,
Sữu, Dần Mão...) là có thực nên nếu vẽ sai thì ai cũng biết.
Chính vì rồng là một huyền thoại nên nó được tôn vinh lên mức
huyền bí. Trong tứ linh, Long Ly Quy Phụng thì rồng đứng hàng đầu. Long là con
Rồng, Ly hay Lân là con Kỳ Lân, Qui là con Rùa và Phụng là một loài chim qúi.
Lan man về rồng:
1. Tản mạn rồng Việt Nam
Người Việt hãnh diện là "con Rồng cháu Tiên". Truyền
thuyết kể: Lộc Tục, con vua Đế Minh, lên ngôi vua và lấy hiệu là Kinh Dương
Vương. Kinh Dương Vương lấy con gái của Động Đình Quân là Long Nữ, sinh ra Sùng
Lãm. Sùng Lãm nối ngôi vua xưng hiệu là Lạc Long Quân. Lạc Long Quân lấy Âu Cơ,
đẻ ra một cái bọc chứa một trăm quả trứng, nở ra một trăm người con. Ngày kia,
Lạc Long Quân nói với Âu Cơ:Ta là dòng dõi Long Quân, tức là Vua Rồng. Còn
khanh là dòng dõi thần tiên. Cả hai ăn ở lâu với nhau e rằng không ổn. Nay được
một trăm đứa con, khanh hãy đưa năm mươi con lên núi, còn trẫm sẽ dẫn năm mươi
đứa xuống biển.Từ truyền thuyết này mà người Việt Nam tự hào có "long phụ
tiên mẫu".
Người Việt Nam thời xưa tin tưởng rằng Rồng và Kỳ Lân là những
linh vật mang biểu tượng của Thiên Tử, mỗi khi xuất hiện là có điềm lành hoặc
minh chúa ra đời để mang thái bình thịnh trị cho thiên hạ. Từ đó có tục lệ Múa
Lân vào những ngày đầu năm trong dịp Tết Nguyên Ðán hay những ngày khai trương,
lễ lạc, đám hỏi đám cưới ...để hy vọng sẽ được may mắn, thành công phát đạt.
Trong ngôn ngữ Việt Nam, hình tượng rồng được ghép với uy quyền
của nhà vua, như áo bào của vua gọi là long bào, sân điện là long đình, xe của
vua là long giá, gương mặt vua là long nhan, giường vua nằm là long sàng, thân
thể vua là long thể., thuyền rồng để vua du thủy, bệ rồng là ngai vua ngồi...
Trong thuật phong thủy, việc tìm đất để khai phá, làm nhà, gieo vãi, nuôi
trồng, hầu an cư lạc nghiệp cần xác định phương hướng, những mạch đất tốt chạy
ngoằn nghoèo gọi là long mạch.
Người Á Ðông tin rằng Rồng là một linh vật mỗi khi xuất hiện
thường đưa đến điềm lành cho hạ giới nên hay được dùng để đặt cho tên người hay
những địa danh. Thi sĩ Lê Đình Bảng viết: "Thật bất ngờ, địa danh mang tên
rồng lâu đời nhất nước ta là thủ đô Hà Nội. Số là, xửa xưa, Hà Nội mang tên
Long Đỗ, cái rốn, cái bụng con rồng. Mãi đến năm 1010, Lý Công Uẩn dời đô từ
Hoa Lư vầ Hà Nội và đặt tên là Thăng Long, vì theo chuyện kể, nhà vua thấy
vượng khí của mãnh đất mới này bay lên, nom cứ như là một bầy rồng múa lượn,
quấn quýt. Cả đến cái truyền thuyết rùa vàng ngậm gươm báu dâng Vua Lê đặng trị
quốc an dân sau này cũng mang ý nghĩa tương tự. Phía hữu ngạn Sông Hồng, có
Long Biên; nội vi Hà Nội có Hàm Long. Đã có Thăng Long để rồng bay lên thì phải
có bãi đáp Hạ Long để để rồng hạ cánh chứ. Vịnh Hạ Long, một quần thể đảo với
hàng nghìn ngọn núi đá vôi xen lẫn núi đất mang nhiều hình thù, trông tựa nghìn
con rồng chìm nổi rủ nhau bơi lội tắm mát ngoài khơi. Chính vì vẽ đẹp kì vĩ ấy,
Hạ Long đã được UNESCO công nhận là một trong 360 di sản văn hóa thế giới
(1994). Ngoài ra, về phía Đông Vịnh Hạ Long, còn thấy Bái Tử Long là đảo Phù
Long (rồng nổi), tên cũ của đảo Cát Bà và ngoài khơi tỉnh Quãng Ninh là cụm đảo
Bạch Long Vĩ, đặc biệt ở núi Long Tu có loài cỏ quý chữa bá bệnh, vốn được bảo
quản để làm ngự y tiến vua. Càng xuôi vào phương Nam, càng thấy xuất hiện nhiều
địa danh mang tên Rồng. Ở Nam Định có chợ Rồng nổi tiếng. Ở Thanh Hóa có núi
Hàm Rồng hiên ngang bên bờ sông Mã. Ở Quãng Bình có núi Thanh Long, Long Tị,
Phúc Long, nơi Đào Duy Từ (1572-1634) xây lũy Trường Dục và viết nên khúc ngân
"Ngọa Long Cương Vãn" thác ngụ chí khí ẩn nhẫn chờ thời khi mở cõi ở
đất phương Nam.
"Chốn này thiên
hạ đời dùng,
ắt là cũng có Ngọa Long ra đòi.
Chúa hay dùng đặng tôi tài,
mừng xem bốn bể dưới trời đều yên".
Tại huyện Phú Lộc (Thừa Thiên – Huế) có núi Rồng; ở Huế có núi
Kim Long ( có chùa Thiên Mụ), một thắng cảnh tầm cỡ, đặc biệt phụ nữ rất đẹp,
đến nỗi vua Tự Đức đã phải dan díu làm nên câu thơ tán dương:
"Kim Long có gái
mỹ miều.
Trẫm thương, trẫm nhớ, trẫm liều, trẫm đi".
Bình Định có núi Hàm Long, Biên Hòa có núi Bửu Long, Long Ẩn; Hà
Tiên có núi Dương Long. Đấy là chưa kể đến con sông Mêkông chảy qua 5 nước, khi
vào Việt Nam, rẽ ra 9 cửa, gọi là Cửu Long Giang và khu vực vựa lúa của cả nước
rộng hơn bốn triệu hecta là đồng bằng sông Cửu Long. Từ Sài Gòn đi các tỉnh
miền Đông Nam Bộ, ta bắt gặp Long Khánh, Long Thành, Long Đất, Long Sơn, Long
Điền, Long Giao (Đồng Nai- Bà Rịa-Vũng Tàu), Phước Long, Bình Long (Bình
Phước); về sông nước miền Tây Nam bộ, sẽ gặp Long An, Long Định (Tiền Giang),
Long Hồ ( Vĩnh Long), Long Mỹ (Cần Thơ), Long Xuyên (An Giang), Long Phú (Sóc
Trăng)... nếu phải liệt kê xã, ấp mang tên con rồng, e khó mà kể xiết. Và sẽ là
một thiếu sót không tha được, nếu không nhắc đến cảng nhà Rồng lịch sử, nghe
đâu có xuất xứ từ đời vua Gia Long thì phải?". (x. BGCN, tháng 1.2012).
Trong y dược học Việt Nam, theo GS TS Đỗ Tất Lợi, có nhiều vị
thuốc mang tên rồng như: Ban long (rồng có đốm) là một thứ cao được bào chế từ
sừng hươu có đốm. Địa long (rồng đất) được chế từ con trùn để chữa cao huyết
áp, nhức đầu, sốt rét. Long y (chiếc áo của rồng) tức là võ ngoài của rắn lột
xác, bào chế thành thuốc trị ghẻ và có tác dụng sát trùng ngoài da. Long nhãn
(mắt rồng) là vị thuốc chế từ cùi nhãn phơi sấy khô dùng chữa bệnh suy nhược
thần kinh và mất ngũ.
Trong cái nhìn và quan niệm của văn hóa Việt Nam, rồng vừa mang
màu sắc kỳ bí của huyền thoại vừa lại toát ra tính đậm đà của hiện thực, đôi
lúc pha trộn sự bông đùa ví von của dân gian. Có "rồng bay phượng
múa", "rồng đến nhà tôm", "song long chầu ngọc"; đồng
thời cũng có "gan rồng, mỡ phượng" và "vẽ rồng vẽ rắn".
Con rồng là một hình tượng có vị trí đặc biệt trong văn hóa, tín
ngưỡng của dân tộc Việt Nam và đã từng là biểu tượng linh thiêng liên quan đến
truyền thuyết "con Rồng cháu Tiên" của người Việt. Hiện nay, hình
tượng con rồng tuy không còn tính chất thiêng liêng, tối thượng nhưng vẫn được
đưa vào trang trí cho các công trình kiến trúc, hội họa, chạm, khắc nghệ
thuật... Dọc dài lịch sử, con rồng vẫn là một phần trong cuộc sống văn hóa của
người Việt Nam.
2. Thị kiến Người Nữ và Con Rồng trong sách Khải Huyền
Sách Khải Huyền đặc tả về rồng như sau: "Rồi có điềm lớn
xuất hiện trên trời: một người Phụ Nữ, mình khoác mặt trời, chân đạp mặt trăng,
và đầu đội triều thiên mười hai ngôi sao. Bà có thai, đang kêu la đau đớn và
quằn quại vì sắp sinh con. Lại có điềm khác xuất hiện trên trời: đó là một Con
Rồng, đỏ như lửa, có bảy đầu và mười sừng, trên bảy đầu đều có vương miện. Đuôi
nó quét hết một phần ba các ngôi sao trên trời mà quăng xuống đất. Rồi Con Rồng
đứng chực sẵn trước mặt người Phụ Nữ sắp sinh con, để khi bà sinh xong là nó
nuốt ngay con bà". (Kh 12,1-3)
Thị kiến trình bày mầu nhiệm Giáo hội khai sinh từ Đấng Messia
tại Canvê. Đức Giêsu được vinh hiển. Satan bị đánh bại tìm cách phá đổ Giáo hội
trong lữ hành trần gian, nhưng Thiên Chúa luôn gìn giữ Giáo hội.
Làm nền cho thị kiến này là câu chuyện Sáng thế về sa ngã (St
3,15-16), nói đến cuộc chiến giữa con rắn, người phụ nữ và dòng dõi của bà.
Khải huyền đã vận dụng hình ảnh và thần học của sách Sáng thế để dệt nên thị
kiến Người Nữ và Con Rồng.
a. Người Nữ
"Người Phụ Nữ mặc áo mặt trời, chân đạp mặt trăng và đầu
đội triều thiên 12 ngôi sao" là biểu tượng cho Israel. Trong Cựu ước, khi
nói về Israel dân Chúa, các Ngôn sứ thường dùng hình ảnh người phụ nữ (Is
54,5-8; cf. Gr 3,6-10). Isaia đã từng ca ngợi Giêrusalem được mô tả như một
người nữ được Thiên Chúa trang điểm lộng lẫy bằng vinh quang của Người. Is
66,7-9 còn loan báo Thiên Chúa sẽ cho người nữ này là Giêrusalem sinh hạ một
dân mới. Lời loan báo về Đấng Messia đã được thực hiện.
Như thế, Người Nữ mà khải huyền muốn nói đến trước hết cần phải
được hiểu đó là Dân Thiên Chúa đang lữ hành dương thế, mang trong thực tại hữu
hình những dấu chỉ của thực tại vô hình mà chỉ có đức tin mới đạt thấu: đó là
Nước Trời. Người Nữ trong Kh 12 là Dân Chúa, nhưng theo nghĩa tròn đầy, Người
Nữ đó cũng chính là Đức Maria, người mẹ đã sinh hạ Con Thiên Chúa; đồng thời
cũng là mẹ của dân mới (Ga 19,26-27), là hình ảnh hoàn hảo của dân Chúa và là
"một nhân vị tập thể" của Dân Chúa.
b. Con Rồng
Kh 12,9 cho biết con Rồng đây chính là con rắn của Sáng thế, gọi
là ma quỷ hay Satan. Cả hai từ này theo Hipri và Hy ngữ đều có nghĩa là người
chống đối, kẻ quyến rũ, tên chia rẽ (diabolus). Hình ảnh con Rồng đưa ta về với
trình thuật sa ngã trong sách Sáng thế. Rắn nguyên thủy ấy nay mang hình thù
con Rồng, đầu đội vương miện. Bảy vương miện ám chỉ 7 ngọn đồi của đế quốc La
Mã, tượng trưng cho các hoàng đế cai trị, hay cũng biểu tượng cho các thế lực
đế quốc độc tài, tôn thờ ngẫu tượng và bách hại Giáo hội mà nhà thị kiến muốn
chỉ tên vạch mặt ở đây. Câu 10 còn gọi nó là "kẻ tố cáo anh em Ta trước
tòa Thiên Chúa", gợi lại hình ảnh Satan tố cáo ông Gióp là người của Chúa
bề ngoài mà thôi.
Như thế, thị kiến cho biết Rồng là hình ảnh tên tố cáo gian xảo,
địch thủ đã bị loại, Satan đại bại bị xô nhào xuống từ trời (cf. Lc 10,18-19;
Ga 12,31). Satan mang tất cả năng lực sự dữ và tìm đủ mọi cách phá hoại chương
trình sáng tạo và công cuộc cứu độ của Thiên Chúa (cf. Ga 14, 29-31; Ga
16,32-33: đầu mục thế gian). Nhưng bất cứ nơi nào Thiên Chúa quyết định cứu độ,
Satan không có đất sống. Nó hoàn toàn bị thảm bại bởi một người cũng là Con
Thiên Chúa. Quyền lực sự dữ không còn là tuyệt đối. Con người phải có bổn phận
tiêu trừ sự dữ và đấu tranh cho sự thiện. Không thể chấp nhận thuyết định mệnh
khắc nghiệt và số phận phi lý.
c. Người Con
Người con đây chính là
Đức Kitô như Tv 2,9 đã từng loan báo:
"Lấy trượng sắt,
Ngươi đập chúng tan tành
Và nghiền nát chúng
Như đồ sành thợ gốm".
Tác giả nói đến việc đứa bé sinh ra và vinh thăng. Động từ dùng
ở đây nói đến việc Đức Kitô chiến thắng quyền lực sự chết và được siêu tôn. Chi
tiết quan trọng này giúp ta hiểu tác giả không muốn nói đến cuộc giáng sinh tại
Bêlem, nhưng muốn nói đến chính việc tôn dương Đức Giêsu Phục sinh. Đức Kitô
được sinh ra trong chính thập giá và Phục sinh. Tv 2 luôn được Giáo hội tiên
khởi hiểu như vậy: "Ngươi là con Ta, chính Ta hôm nay đã sinh ra con"
(cf. Cv 13,32-33; Rm 1,4).
Người Nữ trốn vào sa mạc, núp dưới cánh đại bàng. Hình ảnh này
diễn tả sự phù hộ che chở của Chúa đối với Israel khi xuất Ai Cập (Xh 19,4; cf.
Đnl 32,11; Is 40,31). Sa mạc là hình ảnh cổ điển trong Cựu ước mang nội dung
phong phú về tình nghĩa giữa Thiên Chúa với con người. Đó cũng là nơi ẩn trú
khỏi bách hại do quyền lực thế gian (1V 17,2; 19,3; IM 2,29).
Bà được nuôi sống cách diệu kỳ như xưa Chúa ban Manna nuôi
Israel trong sa mạc. Bà ẩn náu trong thời gian 1.260 ngày = 3 năm rưỡi = bốn
mươi hai tháng, là thời gian theo Daniel, Antiochus Epiphane bách hại Israel
nhưng Thiên Chúa không bỏ rơi dân Người. Cũng vậy, Giáo hội trong thời kỳ gian
truân thử thách và bách hại, luôn được Thiên Chúa che chở, dưỡng nuôi bằng
Thánh Thể và bằng Lời hằng sống. Người không cứu Giáo hội bằng cách đưa ra khỏi
thế gian. Người vẫn để Giáo hội giữa thế gian; và trong suốt dòng lịch sử của
mình, Giáo hội phải đương đầu với mọi thử thách. Được cứu độ không có nghĩa là
Giáo hội và mỗi tín hữu được thoát khỏi điều kiện làm người, nhưng được đặt
giữa thế gian, chiến đấu với sự dữ, với niềm xác tín Đức Kitô chiến thắng hằng
ở với mình và ban phần chiến thắng cuối cùng.
d. Những đọ sức trong hiện tại (12,7 – 14,5)
- Trên trời: Micae và mãng xà 12,7-18 (cuộc chiến giữa Thiên
Chúa và Satan, được cụ thể hóa dưới đất). Dưới đất: Cuộc chiến giữa các quyền
lực thế gian và các tín hữu.
- Hai con Thú: + Quái vật biển (13,1-10): các đế quốc độc tài
bách hại.
+ Quái vật đất (13, 11-18): các ý thức hệ ngẫu thần.
- Con - Chiên và những ai trung thành (14, 1-5)
@ Con thú 1 (13,1-10)
Con Thú 1 từ dưới biển đi lên (13,1-10) giống hệt con Rồng, có
10 sừng và 7 đầu.
Dn 7 đã dùng hình ảnh 4 con vật để chỉ các đế quốc thế lực trần
gian, trong đó con vật thứ tư mang 10 sừng, biểu tượng những nhà cầm quyền. Con
Thú của Khải huyền tổng hợp luôn cả 4 con vật của Daniel để biểu tượng cho đế
quốc Rôma độc ác và hung tợn bằng các con vật khác hợp lại.
Ý nghĩa 7 sừng được diễn bày nơi Kh 17,9-11: đó là 7 ngọn đồi La
Mã tượng trưng cho 7 nhà vua, trong đó 5 vua đã chết. Hai vị kia, một đang tại
chức và một vị khác sắp lên ngôi. Thêm một vị thứ 8 sẽ bị tiêu diệt. Vị này
chắc chắn là Domitien mà tác giả biết rõ vì ông đã biên soạn tác phẩm vào thời
này.
Một cái đầu bị tử thương, nhưng được chữa lành (Kh 13,3), gợi
cho biết có lẽ đó là Nêrôn, theo như thần thoại "Nero Redivivus".
Trong tư tưởng của Khải huyền, Con Thú biểu tượng cho đế quốc
Rôma. Đế quốc này không những độc ác bách hại các tín hữu (13,7), mà còn dùng
quyền hành thúc ép họ sụp lạy tà thần (13,4) và hoàng đế. Những ai do sợ hãi,
tham sống mà bất trung, bị loại khỏi sách sự sống (13,8).
@ Sách sự sống
Kh 5,1 đã nói đến thị kiến cuốn sách niêm 7 ấn. Chỉ một mình Đức
Kitô - Con Chiên bị sát tế - mới vén bức màn Cựu ước để ta có thể hiểu được ý
nghĩa của nó, vì tất cả những gì được viết trong Cựu ước đều hướng về Đức Kitô
là mạc khải tột đỉnh và viên mãn. Ngài đến để hoàn thành mọi loan báo và lời
hứa trong Cựu ước. Kh 10,8 lại đề cập đến cuốn sách nhỏ, mang tầm vóc quan
trọng hơn cả cuốn sách niêm 7 ấn trong Kh 5,1 vì được mở sẵn trong tay thiên
thần (Kh 10,1). Hình ảnh thiên thần mang sách đó có những đặc tính quy về Đức
Kitô (cf. 1,16: miệng Ngài phóng ra thanh gươm hai lưỡi sắc bén; nhan Ngài sáng
như mặt trời; 1,7: Ngài đến với áng mây trời; 14,14-16: trên đám mây có người
ngự xuống giống tựa Con Người; 1,15: chân Ngài giống vàng thau lò luyện...).
Phải chăng quyển sách nhỏ này liên hệ đến mầu nhiệm của Thiên Chúa, tức ý định
cứu độ của Thiên Chúa được hoàn tất trước khi hoàn tất lịch sử (Kh 10,7). Lúc
ấy, thiên thần bay trên đỉnh vòm trời, được lệnh mang Tin Mừng vĩnh cửu được loan
báo cho dân cư trên mặt đất, cho mọi dân, mọi chi tộc, mọi ngôn ngữ và mọi nước
(Kh 14,6). Đó là việc loan Tin Mừng. Tin Mừng Đức Kitô. Vậy cuốn sách nhỏ kia
chính là Sách Tin Mừng của Đức Kitô, liên hệ đến ý định cứu độ của Chúa đối với
toàn nhân loại. Chính tác giả được mời nuốt lấy với nhiệm vụ lãnh nhận để
truyền đạt trong tư cách một ngôn sứ (cf. Ed 3,11; Gr 1,10).
Bốn lần bản văn gợi lên việc Con Thú tìm mọi cách tiêu diệt các
Kitô hữu. Thế nhưng mọi thử thách và bách hại kia vẫn không thể làm nao núng
các tôi trung của Chúa và tách họ ra khỏi cái nhìn thân ái và che chở hứa hẹn
của Người. Và đây chính là niềm tin căn bản không hề đổi thay: mọi đe dọa của
quân thù, mọi hiểm nguy..., không gì có thể lay chuyển lòng tin. Tên các tôi
trung được viết vào sổ sự sống của Con Chiên. Đó là ý định từ đời đời của Thiên
Chúa, là chương trình cứu độ của Người. Do đó, có thể khẳng quyết, từ nguyên
thuỷ sáng tạo, Thiên Chúa đã mở sách sự sống là sách của Con Chiên bị sát tế.
Mọi người, bất kể màu da, chủng tộc, ngôn ngữ, thời đại nhận biết và vâng phục
Thiên Chúa, Đấng sáng tạo và chúa tể mọi loài, đều khám phá tên họ được ghi
trong sổ sự sống.
Nói như thế, tức chấp nhận định mệnh thuyết? Sự tuyển chọn quả
là một niềm vui khôn tả, sao lại không loan báo cho mọi người? Còn những ai
khước từ lắng nghe, hãy để chính Chúa giải thích vì điều ấy vượt tầm hiểu biết
của con người.
@ Con Thú 2 (13,11-18)
Sau Con Thú thứ nhất tượng trưng cho đế quốc Rôma, biểu tượng
cho các thế lực thù nghịch và bách hại, xuất hiện Con Thú thứ hai từ đất đi
lên, có nhiệm vụ phục vụ Con Thú thứ nhất.
Con thú này có hai sừng như chiên, nhưng lại nói như Rồng. Nó
làm được những dấu lạ điềm thiêng như Êlia và khắc dấu ấn cho những kẻ tùng
phục trên tay, trên mặt hoặc trên trán, như các tôi tớ của Chúa được ghi dấu
trên trán (7,3; 14,1). Những chi tiết ấy giúp ta hiểu được Con Thú 2 này tượng
trưng cho các ngôn sứ gỉa (16,13; 19,20; 20,10) và các ý thức hệ của họ (Mt
24,24), các tư tế đội lốt chiên.
Con Thú này được mô tả từ đất đi lên, nghĩa là từ Tiểu Á, tượng
trưng cho việc tôn thờ hoàng đế. Vết thương gươm đâm (13,14) gợi lên việc Nêrôn
tự sát; nhưng Con Thú sống lại, đó là triều đại hoàng đế Domitien, người tự
xưng là thần. Thế giới thời ấy được điều khiển bởi Con Thú ngẫu tượng này.
Không ai có thể sống mà không ghi dấu nó. Trong một xã hội không có đường ranh
giữa chính trị, kinh tế và tôn giáo, tình trạng các Kitô hữu rất ư là khó khăn!
Sự hòa bình của đế quốc, nền an ninh của thành phố, sự thịnh vượng của đất
nước...thảy đều được coi như những bảo đảm của các thần linh. Do đó, cần phải
cúng tế các thần linh cho phải phép và việc tôn thờ cúng bái hoàng đế được coi
như cụ thể và quan trọng nhất. Kẻ nào ngoan cố từ chối tham gia công việc tế tự
này bị coi như phản động, có thể kéo lôi cả tập thể vào cơn giận của các thần
linh. Do đó, ta hiểu tại sao các Kitô hữu bị kết án là vô thần và bị coi như kẻ
thù của đế quốc và nhân loại, vì thế họ bị bách hại và tiêu diệt.
Một chi tiết bí ẩn khó giải thích, đó là mật mã của Con Thú mang
số 666. Thời xưa, người ta vẫn thường tính giá trị của các chữ tên riêng. Tên
Cesar Nero có giá trị là 666. Do đó, người ta vẫn đinh ninh số 666 là mật mã
của hoàng đế Nêrôn. Có người lại giải thích cách khác: số 6 là số bất toàn, số
xấu. Ba số 6 đi với nhau lại rất xấu, rất bất toàn! Ma quỷ muốn bằng Thiên
Chúa, biểu tượng bằng số 7 toàn hảo. Vậy cả hai Con Thú đều thật sự thuộc về
Satan, biểu tượng bằng con số 666.
e. Con Chiên và 144.000 người
Trước sự tàn ác kinh hoàng của hai Con Thú, câu hỏi được đặt ra:
Ai có thể đứng vững được? Câu trả lời sẽ là giữa lòng một đế quốc bách hại bạo
tàn và sự tôn thờ ngẫu tượng đang ngự trị, Thiên Chúa luôn che chở và cứu độ
đoàn dân trung thành của Người. Họ là những người "trinh khiết" nghĩa
là luôn trung tín với Chúa, khước từ việc thờ tà thần. Đó là những người nhờ bí
tích thánh tẩy đã được ghi danh Đức Kitô và Cha của Ngài. Họ là những môn đệ
trung tín bước theo Con Chiên cho đến cùng dù phải trả giá bằng chính mạng
sống. Cuối cùng họ sẽ được đón nhận như những của lễ hiến tế đẹp lòng Thiên
Chúa. Con số 144.000 tượng trưng cho số đông vô kể các Kitô hữu trong dọc dài
lịch sử trung thành tuyên xưng đức tin và nhiệt thành làm chứng đến tử đạo. (x.
Kinh Thánh Tổng Quát, Lm JB Hoàng Văn Khanh).
3. Ước mơ thành rồng
Người xưa nói rằng, cá chép vượt qua được long môn là sẽ hóa
rồng. Hóa rồng là ước mơ lớn nhất của cá chép. Tuy nhiên con rắn hoang tưởng
cũng mơ ước thành rồng. Con rồng bay lượn trên trời. Con rắn chỉ uốn éo thân
mình dưới đất mà phóng tới. Rồng và rắn hoàn toàn khác nhau. Vậy mà có những kẻ
hoang tưởng gọi rắn là địa long (rồng đất).
Ước mơ hóa thành rồng là ước mơ chính đáng. Người có thực học,
mong hóa rồng trí tuệ, học cao lên hơn nữa để có tiến sĩ, giáo sư thì thật đáng
trân trọng. Thế nhưng, có người muốn có học vị thơm tho mà không chịu nghiên
cứu, không chịu vượt qua ba bậc như cá chép. Họ chỉ lo đi...sao chép bậy bạ
công trình của người khác, rồi chạy tiền bạc vớ vẩn để được công nhận. Đó là
rồng dỏm, còn tệ hơn cá chép thật. Nhật Bản và Hàn Quốc là hai con rồng bóng đá
ở khu vực Đông Bắc Á. Khu vực Đông Nam Á thật sự chưa có con rồng bóng đá nào
ra hồn ra vía, kể cả con rồng Việt Nam. Thoát thai từ một nền bóng đá bao cấp,
các đội tuyển quốc gia Việt Nam vẫn chưa có kỷ luật chiến thuật và kỹ năng
chiến lược...
Có những ông rồng hóa thành chú rắn. Ông rồng điện lực đầu tư
ngoài giá thú, lỗ nặng. Ông rồng Vinashin trả nợ ná thở. Ông rồng cảng biển
phát triển tứ giăng, đến nỗi năm khi mười họa mới có một chiếc tàu nhỡ tới ăn
hàng. Một ông rồng cảng biển tuy tên là mây gió, nhưng không thể nương mây cưỡi
gió mà bay, đến nỗi phải trả nợ hàng tháng muốn khùng! Ông rồng cầu đường vừa
làm vừa câu rê. Làm rồng như vậy thà làm cà chép sướng hơn. Năm kia một tỉnh
phía Nam (Tiền Giang) tổ chức lễ hội trái cây, mời mấy chục họa sĩ trang trí
một con rồng dài sơ sơ 2 cây số trên đường phố. Kinh phí làm rồng hết trên 2 tỉ
đồng. Lễ hội xong, con rồng mắc bệnh tay chân miệng, lở lói tùm lum, lại cản
trở giao thông. Ban tổ chức bèn rao bán long thể với giá 60 triệu đồng. Con
rồng hình thức chủ nghĩa ấy xin lấy mà làm răn cho đời sau. (Đồ Bì, Tuổi Trẻ
Cười).
Về kinh tế, Việt Nam hơn hẳn các nước như Thái lan, Malaysia,
Indonesia, Singgapore và Hàn quốc từ 40 năm về trước. Bây giờ Việt Nam vẫn là
nước nghèo còn họ đã trở thành những con rồng Á châu. Việt Nam cũng muốn vươn
mình trở thành rồng. Không biết đến bao giờ!!!
Trong 12 con giáp thì con rồng được xem là con vật bay cao nhất
và mang nhiều khát vọng lý tưởng nhất. Rồng bay trên trời cao, không lấm láp
bùn đất thế tục. Rồng lên cao ở gần trăng sao và thần thánh nên vừa mang khát
vọng lý tưởng, lại vừa ôm ấp những thông điệp của thần linh. Vì thế người tuổi
rồng thường chỉ thích nghĩ đến những gì cao siêu vời vợi, coi thường những gì
lặt vặt của cuộc đời, sống trượng nghĩa hào hiệp, thích giúp đỡ mọi người.
Người mang tuổi rồng là tuổi đại cát, nhiều may mắn hanh thông.
Tết con Rồng đang gần kề. Hy vọng năm mới Giáp Thìn sẽ có nhiều
đổi mới để con người và tổ quốc Việt Nam được nâng lên cao hơn.
Rồng là biểu tượng cho sự phồn thịnh và vương giả. Cầu chúc quý
độc giả, một năm mới nhiều sức khỏe, an khang thịnh vượng, phát đạt, thăng tiến
như "Rồng gặp mây".
Tổng hợp.