Câu chuyện vừa sưu tầm
Chị Tâm, 32 tuổi, hai năm nay thường xuyên đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, suy nhược, nghĩ do trầm cảm, bác sĩ khám phát hiện bị rối loạn tiền đình.
Tưởng áp lực công việc dẫn đến trầm cảm, gia đình cho chị Tâm, điều trị tâm thần hơn một năm nhưng không bớt, phải nghỉ việc.
Chị đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM khám vào tháng 12/2023, được đo chức năng tiền đình bằng công nghệ ảnh động nhãn đồ (Videonystagmography - VNG).
Ngày 11/1, PGS.TS.BS Trần Phan Chung Thủy, Cố vấn chuyên môn Trung tâm Tai Mũi Họng, cho biết chị Tâm mắc chứng chóng mặt tư thế kịch phát lành tính (BPPV) hay sỏi lạc ốc tai. Đây là tình trạng do rối loạn hệ thống tiền đình ngoại biên (tai trong) gây ra.
Chị Tâm được tập phục hồi chức năng tiền đình, kết hợp điều trị nội khoa. Sau một tháng, chị lấy lại cảm giác thăng bằng, không còn chao đảo hay chóng mặt, sinh hoạt và làm việc ổn định hơn.
Cũng bị rối loạn tiền đình nhưng không biết, ông Bình, 52 tuổi, ngụ Nghệ An, chóng mặt suốt 5 năm, đi khám nhiều nơi không ra bệnh, mua thuốc bổ não uống. Đến khi tai ù như ve kêu, nghe kém dần bên tai trái, mắt nhìn mờ, ông Bình đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội khám.
Kết quả đo chức năng tiền đình bằng hệ thống ảnh động nhãn đồ VNG cho thấy tiền đình ngoại biên bên tai trái yếu 46% so với tai phải 98% kèm theo chóng mặt tư thế kịch phát lành tính (thạch nhĩ lạc chỗ).
PGS.TS.BS Lê Minh Kỳ, Phụ trách chuyên môn khoa Tai Mũi Họng, cho biết ông Bình có phản ứng bất cân xứng giữa hai bên tai phải và tai trái, chẩn đoán chóng mặt tư thế kịch phát lành tính trên nền bệnh Meniere (một dạng rối loạn tai trong).
Người bệnh được hướng dẫn tập với hệ thống phục hồi chức năng tiền đình (TRV) kết hợp điều trị nội khoa. Sau ba buổi tập, tình trạng chóng mặt của ông Bình cải thiện đáng kể.
Nhiều người nghĩ rằng rối loạn tiền đình chỉ gặp ở người già, trung niên nên không khám, điều trị sớm. Bệnh viện Tâm Anh ghi nhận một số trường hợp mắc rối loạn tiền đình khoảng 20-30 tuổi, chưa có bệnh nền kèm theo. Phó giáo sư Thủy giải thích áp lực cuộc sống, môi trường ô nhiễm, thói quen sinh hoạt kém lành mạnh như thức khuya, thiếu ngủ, ít vận động, chế độ ăn uống không khoa học... có thể khiến rối loạn tiền đình ngày càng tăng và có xu hướng trẻ hóa.
"Phần lớn người bệnh bị bỏ sót, không được điều trị kịp thời, dẫn đến tiến triển nặng gây điếc tai, tăng nguy cơ đột quỵ, té ngã hoặc trầm cảm", phó giáo sư Thủy nói.
Bệnh nhân được đo chức năng tiền đình bằng công nghệ ảnh động nhãn đồ (VNG) tại Bệnh viện Tâm Anh đầu tháng 1. Ảnh minh họa: Bệnh viện cung cấp© Được VnExpress cung cấp
Xác định đúng nguyên nhân rối loạn tiền đình có thể điều trị triệt để. Nhưng triệu chứng bệnh phổ biến như chóng mặt, quay cuồng, rối loạn thị giác, thính giác, giảm khả năng tập trung... dễ nhầm lẫn với các bệnh lý thông thường khác.
Phó giáo sư Thủy cho biết bệnh khó phát hiện qua quan sát bằng mắt thường, phải cần các công nghệ chẩn đoán hiện đại như ảnh động nhãn đồ VNG, hệ thống vHIT EyeSeeCam. Phương tiện này gồm một chuỗi phép đo chức năng tiền đình dựa trên chuyển động nhãn cầu (mắt), giúp xác định tổn thương tiền đình ở não hay ở tai. Từ đó, bác sĩ xác định đúng nguyên nhân gây bệnh, điều trị phù hợp và thành công cao.
Một bệnh nhân tập phục hồi chức năng tiền đình bằng hệ thống TRV tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội. Ảnh minh họa: Bệnh viện cung cấp© Được VnExpress cung cấpPhó giáo sư Minh Kỳ cho biết khoảng 50% các trường hợp phát hiện rối loạn tiền đình ngoại biên (ở tai), nhưng nhiều người lầm tưởng rối loạn tiền đình là bệnh ở não nên tự bổ sung thuốc bổ não. Một số người đi châm cứu vì nghĩ có thể kích tuần hoàn máu não, cải thiện chóng mặt, rối loạn tiền đình. Tuy nhiên, nằm giường đá massage hay xoa bóp, bấm huyệt cũng không thể chữa khỏi rối loạn tiền đình ngoại biên.
Các chuyên gia khuyến nghị các loại thuốc hay các bài tập phục hồi chức năng tiền đình có thể có tác dụng với người này, nhưng lại ít hiệu quả với người khác. Tự ý sử dụng thuốc hay tập luyện sai cách không có sự hướng dẫn của chuyên gia có thể gây ra tác dụng phụ nguy hiểm, khiến bệnh nặng hơn.
Khánh Ngọc
* Tên bệnh nhân đã được thay đổi
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét