THÚ VUI CỦA NGƯỜI GIÀ: GAI CỘT SỐNG

Thứ Năm, 17 tháng 11, 2022

GAI CỘT SỐNG

 Gai cột sống có chữa được không?

Gai cột sống nếu không được phát hiện sớm hoặc điều trị sai cách có thể dẫn đến tàn phế, làm người bệnh mất khả năng vận động.

Gai cột sống xảy ra khi cơ thể già đi, sự mất nước và độ ẩm làm cho đĩa đệm bị hao mòn, dây chằng cố định xương trở nên lỏng lẻo. Lúc này, để chống lại quá trình lão hóa, cơ thể sẽ tạo ra các mấu xương (gai xương) ở phía ngoài và hai bên của cột sống, nhằm duy trì sự ổn định và giảm bớt căng thẳng cho cột sống. Lâu dần sẽ hình thành gai cột sống.

TS.BS Tăng Hà Nam Anh, Giám đốc Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình, Hệ thống BVĐK Tâm Anh chia sẻ, gai cột sống là kết quả của quá trình lão hoá tự nhiên, do vậy không có cách nào có thể chữa dứt điểm tình trạng này. Các phương pháp điều trị chỉ nhằm giảm triệu chứng, làm chậm quá trình phát triển của bệnh.

Hiện nay, điều trị gai đốt sống chủ yếu tập trung vào 3 phương pháp chính. Thứ nhất là luyện tập và trị liệu thần kinh cột sống. Thứ hai là dùng thuốc để làm dịu các cơn đau tức thời. Cuối cùng là phẫu thuật, nhưng phương án này chỉ được cân nhắc khi các gai xương đã quá to.

Gai cột sống có thể gây ra những cơn đau dữ dội, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người bệnh. Ảnh: Freepik© Được VnExpress cung cấp

Điều trị không dùng thuốc

Nếu bệnh không gây đau thì không cần phải điều trị. Các phương pháp điều trị chỉ được áp dụng khi có triệu chứng hoặc gây ra những biến chứng nghiêm trọng. Kết hợp các bài tập phục hồi chức năng thường xuyên, áp dụng mát-xa, vật lý trị liệu bằng hồng ngoại, sóng ngắn, điện xung... có hiệu quả tích cực trong điều trị gai cột sống. Khi cơn đau khởi phát, người bệnh có thể giảm đau tại nhà bằng cách chườm ấm hoặc chườm đá vào vùng bị đau, nghỉ ngơi đầy đủ, hạn chế đi lại...

Điều trị dùng thuốc

Khi gai cột sống làm khởi phát những cơn đau, người bệnh cần được nghỉ ngơi và uống thuốc giảm đau kháng viêm không steroid, thuốc giãn cơ. Trong đó, các loại thuốc như ibuprofen, naproxen, acetaminophen và tramadol có tác dụng chống lại cơn đau. Thuốc giãn cơ cyclobenzaprine và tizanidine làm giảm co thắt cơ liên quan đến gai cột sống.

Phẫu thuật

Đây là phương pháp điều trị cuối cùng, chỉ được cân nhắc khi gai cột sống gây sự chèn ép vào tủy, làm hẹp ống tủy hoặc chèn ép hệ thần kinh, dẫn đến tê tay chân, rối loạn đại tiểu tiện. Tuy nhiên, sau phẫu thuật, gai xương có thể mọc trở lại ở cùng vị trí cũ. Vì vậy, người bệnh cần duy trì lối sống lành mạnh, chú ý tư thế khi học tập và làm việc để hạn chế nguy cơ tái phát. Đặc biệt cần tuân thủ điều trị, tái khám định kỳ để phát hiện và xử trí diễn tiến xấu kịp thời.

Tiến sĩ Nam Anh (thứ hai từ phải sang) trong một ca phẫu thuật. Ảnh: BVĐK Tâm Anh© Được VnExpress cung cấp

Theo tiến sĩ Nam Anh, bên cạnh việc tuân thủ chỉ định của bác sĩ, để kiểm soát bệnh và nâng cao hiệu quả điều trị, người bệnh nên thực hiện một lối sống lành mạnh. Cụ thể, người bệnh nên thường xuyên thực hiện các bài tập nhẹ nhàng, phù hợp với thể trạng, như đi bộ, yoga, bơi lội; tránh chơi những môn thể thao có cường độ cao như cử tạ, thể dục dụng cụ.

Trong sinh hoạt hàng ngày, luôn giữ cột sống ở tư thế tốt, lưng cổ có chỗ dựa, điều chỉnh màn hình hay sách vở ngang tầm mắt, luân phiên thay đổi tư thế. Ngoài ra, người bệnh gai cột sống cần chú ý đến chế độ dinh dưỡng, đặc biệt là các chất giàu canxi. Không nên ăn đồ ăn nhanh, đồ nhiều dầu mỡ.

Cần kiểm soát cân nặng chặt chẽ, việc tăng cân quá nhanh, thừa cân, béo phì sẽ làm tăng áp lực lên hệ xương khớp, làm nặng thêm các triệu chứng bệnh.

Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, gai cột sống có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm như thoát vị đĩa đệm, rối loạn tiền đình, bại liệt... Do đó, những người từ sau 30 tuổi trở lên nên thực hiện kiểm tra cột sống định kỳ hoặc khám bác sĩ ngay khi phát hiện các dấu hiệu bất thường để kịp thời điều trị.

                                          Phi Hồng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét