THÚ VUI CỦA NGƯỜI GIÀ: Những dạng rối loạn tiền đình thường gặp

Thứ Bảy, 20 tháng 1, 2024

Những dạng rối loạn tiền đình thường gặp

 Rối loạn tiền đình xảy ra khi hệ thống cân bằng của cơ thể gặp vấn đề, được chia làm nhiều loại như chóng mặt tư thế kịch phát, đau nửa đầu tiền đình.

Sự phối hợp giữa tai trong và não giúp giữ thăng bằng khi đi đứng, được gọi là hệ thống tiền đình. Triệu chứng rối loạn tiền đình phổ biến là chóng mặt, khó giữ thăng bằng. Một số người khác có thể gặp vấn đề về thính giác và thị giác. Dưới đây là một số dạng rối loạn tiền đình thường gặp.

1.Bệnh chóng mặt tư thế kịch phát lành tính (BPPV)

Đây là nguyên nhân phổ biến nhất gây chóng mặt do thay đổi tư thế, tức cảm giác đột ngột khiến quay cuồng, lắc lư. Cơn chóng mặt thường ngắn, dưới 60 giây. Bệnh xảy ra khi các tinh thể canxi cacbonat nhỏ trong tai di chuyển không đúng vị trí, khiến tai trong báo hiệu sai thông tin cho não, tạo ra ảo giác chuyển động.

Các yếu tố có thể dẫn đến chóng mặt tư thế kịch phát lành tính như phẫu thuật tai, viêm tai giữa, chấn thương đầu... Bệnh có thể được điều trị thông qua các bài tập cử động đầu do bác sĩ hướng dẫn.

2.Viêm mê cung

Viêm mê cung là bệnh nhiễm trùng tai trong, xảy ra khi mê cung - cấu trúc mỏng nằm sâu bên trong tai bị viêm. Viêm mê cung ảnh hưởng đến khả năng giữ thăng bằng, thính giác. Người bệnh có thể bị đau tai, áp lực, mủ hoặc chất lỏng chảy ra từ tai, buồn nôn và sốt cao.

Nếu nguyên nhân gây viêm mê cung do nhiễm trùng, bạn có thể phải điều trị bằng kháng sinh để giảm viêm, chóng mặt, buồn nôn.

3.Viêm dây thần kinh tiền đình

Cơ thể nhiễm virus do các bệnh như thủy đậu, sởi có thể dẫn đến viêm dây thần kinh tiền đình. Đây là dạng rối loạn ảnh hưởng đến dây thần kinh gửi thông tin âm thanh và cân bằng từ tai trong đến não. Triệu chứng phổ biến là chóng mặt đột ngột, buồn nôn, nôn và khó đi lại.

4.Bệnh Meniere

Bệnh Meniere là dạng rối loạn tai trong, áp suất và thể tích trong nội dịch mê đạo ảnh hưởng đến chức năng của tai trong. Người mắc chứng rối loạn này thường đột ngột bị chóng mặt, ù tai (âm thanh như tiếng chuông, tiếng ù hoặc tiếng ầm ĩ trong tai), mất thính lực, cảm giác đầy ứ ở tai bị ảnh hưởng. Tình trạng mất thính lực nặng hơn theo thời gian, nếu không được điều trị có thể gây mất thính lực vĩnh viễn.

Một số thay đổi trong lối sống như cắt giảm muối, caffeine và rượu góp phần giảm đau do bệnh Meniere.

5.Rò ngoại dịch

Rò ngoại dịch là vết rách hoặc khiếm khuyết ở tai giữa và tai trong, tạo ra nhiều chất lỏng trong tai, gây chóng mặt, có thể mất thính giác. Người bệnh có thể bị rò ngoại dịch bẩm sinh hoặc do chấn thương khí áp (tăng áp lực trong tai), chấn thương đầu. Phẫu thuật có thể giúp sửa chữa các lỗ rò ngoại dịch.

6.U dây thần kinh âm thanh

Khối u ở tai trong này không phải là ung thư, thường phát triển chậm, dễ chèn ép các dây thần kinh kiểm soát thính giác và thăng bằng dẫn đến mất thính giác, ù tai và chóng mặt. Trong một số trường hợp, khối u thần kinh có thể đè lên dây thần kinh mặt, gây tê.

U dây thần kinh thính giác có thể được loại bỏ bằng phẫu thuật hoặc điều trị bằng tia xạ để ngăn chặn phát triển.

7.Đau nửa đầu tiền đình

Não gửi tín hiệu sai đến hệ thống thăng bằng, có thể dẫn đến đau đầu dữ dội, chóng mặt, nhạy cảm với ánh sáng hoặc âm thanh, mất thính lực, ù tai. Đau nửa đầu tiền đình kéo dài vài giờ đến một vài ngày. Bệnh thường xuất hiện ở người có tiền sử đau nửa đầu.

Người thường xuyên bị chứng đau nửa đầu tiền đình nên đi khám để bác sĩ điều trị phù hợp, tránh biến chứng.

Anh Chi (Theo WebMD)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét