THÚ VUI CỦA NGƯỜI GIÀ

Thứ Bảy, 20 tháng 7, 2024

Nguyên nhân rối loạn tiền đình

 Người thường xuyên căng thẳng, mất ngủ kéo dài, mắc các bệnh lý thần kinh và tai làm tăng nguy cơ rối loạn tiền đình.

Rối loạn tiền đình là tình trạng tổn thương dây thần kinh số 8 hoặc động mạch nuôi dưỡng não, làm gián đoạn quá trình dẫn truyền và xử lý thông tin của hệ thống tiền đình nằm phía sau ốc tai. Triệu chứng bệnh phổ biến như mất thăng bằng, loạng choạng, hoa mắt, chóng mặt, ù tai, buồn nôn...

TS.BS Lê Văn Tuấn, Giám đốc Trung tâm Khoa học Thần kinh, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết rối loạn tiền đình đang ngày càng phổ biến, do nhiều nguyên nhân dưới đây:

Áp lực công việc và cuộc sống hàng ngày khiến người trưởng thành thường xuyên đối diện với stress, làm gia tăng sản sinh quá mức hormone cortisol trong cơ thể. Hormone này tích tụ nhiều khiến hệ thần kinh tổn thương, gây rối loạn tiền đình.

Mất ngủ kéo dài ảnh hưởng đến dây thần kinh số 8, tạo ra các sai lệch trong quá trình dẫn truyền thông tin ở tiền đình. Huyết áp thấp, thiếu máu, tai biến hoặc các bệnh lý tim mạch... ảnh hưởng đến hoạt động lưu thông máu đến não, chức năng của hệ thống tiền đình, tăng nguy cơ mắc bệnh.

Người bị mất máu nhiều, rối loạn chuyển hóa như suy giáp, tiểu đường, tăng ure huyết... cũng có nguy cơ rối loạn tiền đình.

Bác sĩ khám sức khỏe thần kinh cho người bệnh tại Bệnh viện Tâm Anh. Ảnh minh họa: Bệnh viện cung cấp© Được VnExpress cung cấp

Mắc các bệnh lý thần kinh: Rối loạn tiền đình cũng có thể do hệ quả của các bệnh lý thần kinh như viêm dây thần kinh do virus, viêm tiền đình, nhiễm trùng não, nhồi máu não, xuất huyết não. Chấn thương, u não, u dây thần kinh, thiếu máu não, áp xe não, máu tụ ngoài màng cứng ở hố sau cũng là yếu tố nguy cơ gây bệnh.

Mắc các bệnh lý về tai: Người bị viêm mê nhĩ, viêm tai giữa cũng cần lưu ý các triệu chứng do rối loạn tiền đình như mất thăng bằng, hoa mắt, chóng mặt, ù tai...

Rối loạn tiền đình có thể khởi phát do những nguyên nhân khác như ít vận động, thời tiết thay đổi đột ngột, phơi nhiễm với các chất độc hại, sử dụng thuốc trong thời gian dài, ô nhiễm tiếng ồn.

Người bệnh rối loạn tiền đình có nguy cơ ngã, đột quỵ, trầm cảm... Để phòng tránh bệnh, bác sĩ Tuấn khuyến cáo người lớn khám sức khỏe thần kinh định kỳ nhằm tầm soát, phát hiện và điều trị các bệnh lý thần kinh liên quan để điều trị kịp thời. Hạn chế căng thẳng, stress, sắp xếp thời gian nghỉ ngơi và thư giãn hợp lý.

Tránh ngồi quá lâu trước màn hình máy tính, điện thoại. Người làm những công việc phải tiếp xúc với thiết bị điện tử thường xuyên cần sắp xếp thời gian giải lao để thay đổi tư thế, vận động nhẹ nhàng sau mỗi 1-2 giờ ngồi làm việc liên tục. Không nên thức khuya, cần đảm bảo ngủ đủ 7-8 giờ mỗi đêm và ngủ trước 23h.

Uống đủ lượng nước hàng ngày (khoảng hai lít nước) giúp đào thải độc tố và duy trì hoạt động khỏe mạnh của hệ thần kinh. Tăng cường vận động mỗi ngày cũng tăng cường lưu thông máu đến não, giảm căng thẳng và phòng ngừa rối loạn tiền đình.

Người bệnh rối loạn tiền đình cần tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ để ngăn ngừa tái phát. Sử dụng thuốc theo toa kết hợp với vật lý trị liệu và phục hồi chức năng giúp cải thiện vận động của cơ thể, duy trì hệ thống tiền đình cân bằng.

Trung An

Thứ Sáu, 19 tháng 7, 2024

CĂNG CƠ: NGUYÊN NHÂN, DẤU HIỆU, CÁCH XỬ LÝ KHI BỊ CĂNG CỨNG CƠ BẮP

 

Tư vấn chuyên môn bài viếtTHS.BS.CKI TRẦN THỊ THANH TÚ

Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM

Căng cơ không chỉ là chấn thương xảy ra ở vận động viên. Thực tế, bất kỳ ai cũng có thể gặp chấn thương này trong sinh hoạt, lao động. Tình trạng căng cơ nếu không được chăm sóc đúng cách sẽ gây ra nhiều biến chứng nặng như rách cơ, đứt gân. Vì vậy, mỗi người nên trang bị kiến thức xử lý chấn thương đúng cách, rút ngắn quá trình phục hồi.

Căng cơ là gì?

Căng cơ là tình trạng các cơ bắp bị kéo giãn quá mức, vượt quá ngưỡng chịu đựng. Một số trường hợp nặng có thể dẫn tới rách cơ. Tình trạng này khiến các cơ liên quan căng cứng, không có khả năng thư giãn. Người bệnh sẽ bị đau buốt, cử động khó khăn. Bất kỳ bộ phận nào trong cơ thể cũng có thể bị căng cơ, phổ biến là ở cơ chân hoặc tay, thắt lưng, cổ và vai. (1)

Thông thường, người bệnh sẽ bị căng cứng cơ bắp sau các hoạt động thể chất, tập luyện thể thao hay khi mang vác vật nặng sai tư thế. Những vùng cơ bị căng sẽ sưng lên, xuất hiện các vết bầm tím đi kèm, gây đau nhức cho người bệnh.

Nguyên nhân gây căng cơ

Căng thẳng

Căng thẳng là nguyên nhân phổ biến gây ra hiện tượng này. Tình trạng căng thẳng, lo âu kéo dài sẽ gây ảnh hưởng xấu tới hệ thần kinh. Điều này có thể dẫn tới tình trạng rối loạn quá trình não bộ truyền tín hiệu thần kinh tới cơ. Hệ thống thần kinh thường phản ứng với căng thẳng bằng cách tăng áp lực lên các mạch máu. Tình trạng này làm giảm lưu lượng máu tới cơ, rất dễ dẫn tới căng cơ. (2)

Thể dục thể thao

Khởi động trước khi tập luyện và thi đấu là điều vô cùng quan trọng. Khâu chuẩn bị này sẽ giúp làm nóng cơ thể, hỗ trợ máu chảy nhiều hơn tới các cơ. Qua đó, cơ thể sẽ thích ứng với vận động tốt hơn, ngăn ngừa chấn thương hiệu quả khi thực hiện những động tác mạnh.

Tuy nhiên, một số người tập lại thường bỏ qua bước khởi động. Điều này làm gia tăng nguy cơ chấn thương thể thao. Ngoài ra, chế độ tập luyện thường xuyên, tần suất dày đặc với cường độ cao sẽ khiến cho các cơ luôn trong tình trạng quá tải. Đây cũng là nguyên nhân dẫn tới tình trạng cơ bắp bị căng cứng.


Nhiều người thường nghĩ rằng chỉ có các hoạt động quá sức hoặc cường độ cao mới có thể dẫn tới căng cơ. Đây là quan niệm hoàn toàn sai lầm. Vì chấn thương này có thể xảy ra ngay cả khi bạn đi bộ, trượt chân, chạy, nhảy, ném một vật, nâng vật nặng… với tư thế không đúng.

Chuyển động lặp đi lặp lại ở cùng một vị trí

Căng cơ có thể xuất hiện khi cơ bắp bị sử dụng quá mức, liên tục. Trường hợp này rất phổ biến ở vận động viên chạy bộ, chạy nước rút, thể dục dụng cụ… Tình trạng này sẽ làm giảm độ linh hoạt của các cơ, gây ra các cơn đau nhức dai dẳng trong thời gian dài.

Nguyên nhân là do các chuyển động lặp đi lặp lại tại một phần cơ thể sẽ làm mất cân bằng hệ thống cơ bắp, tạo áp lực lớn và liên tục lên các khớp và dây thần kinh. Lâu dài, tình trạng này có thể dẫn tới chấn thương tại những vùng thường xuyên hoạt động, gây đau nhức nghiêm trọng.

 Triệu chứng thường gặp

Người bị căng cơ thường có các triệu chứng như:

  • Vùng cơ tổn thương bị sưng tấy, bầm tím hay đỏ.
  • Đau ngay cả khi nghỉ ngơi, không vận động.
  • Đau nhói khi vận động các cơ tổn thương hoặc khớp liên quan tới cơ đó.
  • Yếu gân và cơ.
  • Hạn chế tầm vận động tại khu vực cơ bắp đang bị căng cứng.

Trong trường hợp nhẹ, dù cơ bị rách và thiếu linh hoạt, bạn vẫn có thể sử dụng các cơ này. Trong khi, người bệnh rách cơ nghiêm trọng sẽ bị đau đớn cùng cực, hạn chế hầu hết các cử động. Tình trạng căng cơ nhẹ tới trung bình nếu được chăm sóc tốt có thể tự khỏi sau một vài tuần. Các trường hợp nặng có thể phải mất nhiều tháng để cơ phục hồi.

Các phương pháp chẩn đoán căng cơ

Bác sĩ sẽ hỏi người bệnh về bệnh sử và triệu chứng, sau đó kiểm tra vận động để chẩn đoán tình trạng căng cơ Ngoài ra, bác sĩ có thể chỉ định bạn thực hiện các xét nghiệm nhằm tìm kiếm những tổn thương cơ cùng các nguy cơ tiềm ẩn. Điều này sẽ giúp xác định nguyên gây căng thẳng cơ bắp, mức độ tổn thương và phát hiện các tổn thương đi kèm (nếu có).

Các xét nghiệm thường được chỉ định gồm:

  • Siêu âm: Tìm kiếm tình trạng viêm và các tổn thương trong các sợi cơ.
  • Xét nghiệm máu: Kiểm tra các rối loạn tự miễn gây cứng cơ và các tổn thương cơ.
  • Chụp X-quang: Kiểm tra tình trạng căng cơ có liên quan tới các vấn đề về xương hay không và loại bỏ một số yếu tố nguy cơ.
  • Chụp CT và chụp MRI: Phát hiện các bất thường của xương gây chèn ép dây thần kinh, đánh giá thêm những tổn thương ở cơ và gân.
  • Điện cơ: Đánh giá hoạt động của các dây thần kinh và cơ bắp.

Khi nào nên gặp bác sĩ?

Tình trạng căng cơ nếu được chăm sóc tại nhà đúng cách sẽ phục hồi rất nhanh. Tuy nhiên, nếu có các dấu hiệu dưới đây, bạn vẫn nên đi khám để có biện pháp xử lý phù hợp, ngăn ngừa biến chứng nặng.

  • Sau 1 tuần, tình trạng căng cơ vẫn không thuyên giảm, kèm theo những triệu chứng nóng, đỏ vùng cơ tổn thương.
  • Chóng mặt, khó thở.
  • Bị đau nhức dữ dội khi vận động các nhóm cơ tổn thương.

Đối tượng dễ mắc bệnh

Căng cơ là chấn thương mà bất kỳ ai cũng có thể gặp phải. Khi không khởi động hoặc khởi động không đúng cách trước khi tập, làm các công việc yêu cầu vận động tay chân nhiều cũng đều có khả năng gây căng cơ. (3)

Các phương pháp điều trị

Các biện pháp khắc phục tại nhà

Phần lớn các trường hợp đều có thể tự chữa trị tại nhà. Nếu gặp chấn thương này sau tập luyện hay sau trị liệu, bạn có thể áp dụng biện pháp xử lý tổn thương này tại nhà bằng phương pháp R.I.C.E như:

  • Nghỉ ngơi: Người bệnh nên dừng ngay các hoạt động tập luyện hay công việc khi bị căng cơ để nghỉ ngơi. Bạn hạn chế vận động các vùng cơ bị tổn thương trong một vài ngày, tránh làm tổn thương tiến triển nặng hơn.
  • Chườm đá: Đây là biện pháp hiệu quả giúp giảm sưng cơ. Bạn lưu ý nên đặt đá vào trong 1 chiếc khăn nhỏ hoặc túi chườm rồi mắt chườm lên vị trí bị căng cơ. Thời gian chườm đá là khoảng 15 – 20 phút, mỗi lần cách nhau 60 phút, thực hiện khoảng 1 – 3 ngày.
  • Băng ép: Người bị thương có thể sử dụng băng thun hoặc băng vải y tế để quấn quanh vùng cơ bị căng cho tới khi tình trạng sưng thuyên giảm. Bạn không nên quấn quá chặt vì có thể ảnh hưởng tới tuần hoàn máu.
  • Nâng vùng tổn thương cao hơn tim: Bạn nên đặt vùng cơ tổn thương cao hơn tim. Biện pháp này giúp giảm sưng, đau và viêm cơ hiệu quả.


Điều trị y tế

Tùy theo nguyên nhân và mức độ nghiêm trọng của tình trạng tổn thương cơ, người bệnh sẽ được bác sĩ đề nghị các phương án điều trị như:

Sử dụng thuốc

Thuốc giãn cơ, thuốc kháng viêm mạnh thường được chỉ định cho các trường hợp căng cơ không đáp ứng thuốc giảm đau không kê đơn, cụ thể:

  • Thuốc giãn cơ: Các loại thuốc này giúp cải thiện tình trạng co cứng cơ và co thắt cơ, giảm khó chịu, giảm đau tại các vùng cơ bị tổn thương, qua đó cải thiện khả năng vận động.
  • Thuốc corticoid: Đây là loại thuốc kháng viêm mạnh, có tác dụng trị viêm, ức chế miễn dịch, chống dị ứng, cải thiện tình trạng sưng đau… Corticoid thường được chỉ định cho các trường hợp không đáp ứng thuốc kháng viêm không steroid (NSAID) hay căng cơ do rối loạn tự miễn.
  • Thuốc kháng sinh/kháng virus: Bác sĩ sẽ chỉ định loại thuốc này cho người bệnh bị căng cơ có liên quan tới nhiễm trùng.

Vật lý trị liệu

Bác sĩ có thể đề nghị bạn tập vật lý trị liệu để thư giãn, khôi phục chức năng của cơ, đặc biệt là trường hợp điều trị rách cơ sau phẫu thuật. Phương pháp này giúp giảm đau, tăng cường sức cơ và khối lượng cơ, cải thiện sức mạnh và phục hồi chức năng vận động cho người bệnh.

Người bệnh thường được hướng dẫn các bài tập kéo giãn, tăng cường sức cơ với cường độ phù hợp. Một số trường hợp có thể được chỉ định thực hiện các phương pháp như siêu âm trị liệu, nhiệt trị liệu, massage…

Phẫu thuật

Bác sĩ thường chỉ định can thiệp phẫu thuật cho các trường hợp như:

  • Rách cơ, gân.
  • Rách mạch máu do căng cơ quá mức.
  • Điều trị bảo tồn không hiệu quả.

Bác sĩ sẽ gây mê toàn thân cho người bệnh, sau đó tiến hành rạch một đường trên da và nối 2 đầu cơ, mạch máu với nhau. Sau phẫu thuật, người bệnh có thể cần bó bột trong 3 – 4 tuần hoặc cho tới khi tổn thương lành hẳn. Sau đó, bác sĩ hoặc chuyên viên vật lý trị liệu sẽ hướng dẫn bạn các bài tập nhằm tăng cường sức cơ và khối lượng cơ, cải thiện sức mạnh và phục hồi chức năng vận động.

Biện pháp phòng tránh căng cơ

Căng cơ là chấn thương thường gặp trong sinh hoạt, tập luyện và lao động. Tuy nhiên, bạn vẫn có một số biện pháp để ngăn ngừa rủi ro này như: (4)

  • Trước khi tập luyện hoặc làm việc nặng, bạn nên khởi động để làm ấm cơ thể, kéo giãn các cơ.
  • Duy trì thói quen vận động cơ thể mỗi ngày để giúp tăng tính linh hoạt cho cơ.
  • Hạn chế ngồi một chỗ quá lâu, đặc biệt là dân văn phòng.
  • Nếu cần nâng vác vật nặng, bạn nên thực hiện đúng tư thế.
  • Tránh ngồi hoặc đứng sai tư thế.
  • Chế độ ăn uống khoa học: Mỗi ngày, bạn nên đảm bảo cơ thể được bổ sung đầy đủ dinh dưỡng. Điều này sẽ giúp cơ, gân, xương khớp chắc khỏe, hỗ trợ tốt cho các hoạt động thường ngày.
  • Sắp xếp thời gian nghỉ ngơi hợp lý: Bạn nên tránh vận động hoặc làm việc quá sức, thay vào đó là nên cân bằng giữa nghỉ ngơi và vận động. Điều này sẽ giúp ngăn ngừa chấn thương hiệu quả, cơ thể cũng có thời gian hồi phục.

Cách chăm sóc và hồi phục của người bệnh

Khi bị căng cơ, bạn nên có một chế độ dinh dưỡng và vận động phù hợp để rút ngắn quá trình phục hồi, cụ thể:


  • Bổ sung đủ nước cho cơ thể: Axit lactic tan trong nước. Đây là một chất được sinh ra khi các cơ bị thiếu oxy trong lúc vận động. Nếu lượng axit lactic tích tụ vượt ngưỡng cho phép sẽ gây ra tình trạng nóng rát, nhức mỏi cơ, thậm chí là vùng bị ảnh hưởng có thể không cử động được nữa. Vì thế, bạn nên bổ sung đầy đủ nước trước, trong và sau khi tập để ngăn ngừa sự ứ đọng axit lactic trong cơ, hạn chế sự xuất hiện của các cơn căng cơ đột ngột.
  • Bổ sung thực phẩm giàu canxi và magie: Các loại thực phẩm giàu canxi và magie bạn nên ăn mỗi ngày là rau bina, cải xanh, các loại đậu, củ cải, bí ngô, gạo, hạt vừng, hạt hướng dương, yến mạch, tôm, cá, sữa, phô mai… Ngoài ra, magie còn có khả năng cung cấp năng lượng trực tiếp cho các cơ, canxi giúp duy trì sự chắc khỏe cho cơ bắp.
  • Bổ sung vitamin B: Bạn nên bổ sung các loại thực phẩm giàu vitamin B như hải sản, thịt đỏ, sữa, ngũ cốc, trứng… vào bữa ăn hằng ngày. Loại vitamin này sẽ vận chuyển đường đi khắp nơi trong cơ thể, cung cấp năng lượng cần thiết cho các hoạt động mỗi ngày và làm giảm axit lactic trong cơ.

Chế độ sinh hoạt

  • Vận động nhẹ nhàng: Sau một đợt căng cơ, người bệnh nên vận động nhẹ nhàng, điều chỉnh thể lực, giảm dần cường độ vận động hay lựa chọn loại hình luyện tập nhẹ nhàng khác. Sau đó, bạn mới nên tăng dần cường độ vận động lên để cơ thể có đủ thời gian thích nghi. Để ngăn ngừa tình trạng căng cơ tái phát, bạn nên khởi động thật kỹ trước khi vào bài tập chính. Khi bài tập kết thúc, bạn nên thư giãn các cơ với các động tác nhẹ nhàng, thả lỏng cơ thể.
  • Tập các bài tập giãn cơ: Các bài tập này không những giúp cơ bắp thư giãn, giảm đau mà còn hạn chế chấn thương khi tập luyện. Bạn nên xác định vùng cơ mình bị đau nhức rồi thực hiện những bài tập kéo giãn phù hợp tại vùng cơ này.
  • Massage: Đây là phương pháp hữu hiệu giúp thư giãn, làm dịu các cơn đau cơ. Nếu bị căng cơ sau khi vận động, bạn chỉ cần thực hiện một số động tác massage đơn giản là đã có thể giải phóng áp lực tích tụ tại các vùng cơ, qua đó giảm đau và thư giãn cơ.
  • Ngủ sâu: Nếu sau khi tập bị căng cơ, bạn nên nghỉ ngơi, cố gắng đi ngủ sớm hay có giấc ngủ ngắn vào buổi trưa. Điều này sẽ giúp cơ bắp có thời gian nghỉ ngơi và phục hồi.
  • Tắm muối epsom: Nếu bị đau nhức cơ, ngâm cơ thể trong bồn tắm nước nóng với muối epsom sẽ là giải pháp giảm đau tuyệt vời. Loại muối này rất giàu magie, giúp giãn cơ một cách tự nhiên, loại bỏ axit lactic dư thừa ra khỏi các mô bị tổn thương, cải thiện tình trạng sưng viêm.

Trung tâm Chấn thương chỉnh hình, Hệ thống BVĐK Tâm Anh

Lời bình: Cảm ơn bệnh viện & tác giả. Tôi đã Sử dụng thuốc này, điều trị 7 ngày, căng cơ biến mất hoàn toàn. Thuốc ở ngay đây chứ đâu! 

Hãy chăm lo tới sức khỏe chính mình, hãy phòng bệnh trước khi bệnh tới.

 

Thứ Ba, 16 tháng 7, 2024

Nguyên nhân axit uric tăng cao

 THÙY DUNG ( Dịch ONLY MY HEATHY )

Nồng độ axit uric tăng cao có thể đến từ các tác nhân bên trong cơ thể hoặc một chế độ ăn uống, sinh hoạt thiếu lành mạnh.

Nguyên nhân nào khiến axit uric tăng cao

Axit uric được cơ thể phân hủy từ các bazơ purin ngoại sinh có trong thực phẩm hoặc purin nội sinh tạo ra trong quá trình phá hủy tế bào tự nhiên trong cơ thể. Quá trình này được thực hiện chủ yếu ở gan, sau đó acid uric được lọc ở thận và bài tiết ra ngoài theo nước tiểu. Một phần nhỏ acid uric được thải qua đường tiêu hóa.

Có 2 nguyên nhân khiến axit uric tăng cao, cụ thể:

1.Hội chứng chuyển hóa

Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng axit uric tăng cao là do quá trình sản xuất axit uric bị rối loạn. Quá trình này sẽ liên quan đến một số bệnh lý như rối loạn chuyển hóa, béo phì, vẩy nến...

Khi cơ thể sản xuất quá nhiều axit uric trong quá trình phân hủy purin dẫn đến tình trạng mất cân bằng axit uric.

2.Chế độ dinh dưỡng

Chế độ ăn uống đóng vai trò quyết định đến nồng độ axit uric. Các loại thực phẩm giàu purin như nội tạng, hải sản có vỏ, thịt đỏ và một số loại cá có thể làm tăng sản xuất axit uric trong cơ thể. Bên cạnh đó, thói quen uống nhiều rượu bia cũng có thể trở thành nguyên nhân khiến axit uric tăng cao khó kiểm soát.

Những dấu hiệu axit uric tăng cao

1.Sưng đau xương khớp

Một trong những triệu chứng dễ nhận biết nhất của việc axit uric tăng là đau nhức xương khớp. Cơn đau thường xuất hiện ở khu vực ngón chân, ngón tay, mắt cá chân, đầu gối, cổ tay. Các cơn đau thường diễn ra đột ngột, dữ dội kèm theo hiện tượng tấy đỏ.

Axit uric tăng cao có thể dẫn đến nhiều biểu hiện sức khỏe tiêu cực. Đồ họa: Thùy Dung© Được Lao Động cung cấp

2.Sỏi thận do axit uric tăng cao

Nồng độ axit uric cao có thể là nguyên nhân hình thành sỏi thận và gây đau dữ dội ở vùng lưng, bụng. Bên cạnh đó, các biểu hiện như tiểu nhiều, tiểu thường xuyên, tiểu ra máu cũng có thể là biểu hiện của nồng độ axit uric tăng cao bất thường.

3.Mệt mỏi và khó chịu

Nồng độ axit uric tăng cao có thể cản trở quá trình chuyển hóa của cơ thể dẫn đến mệt mỏi, khó chịu. Nếu bạn cảm thấy mệt mỏi kéo dài thì rất có thể nồng độ axit uric đang tăng cao. Lúc này, bạn nên thực hiện các xét nghiệm để nhận biết và điều trị kịp thời.

Kiểm soát axit uric với 4 thói quen cơ bản

1.Thay đổi chế độ ăn uống

Việc lựa chọn chế độ ăn uống thông minh là rất quan trọng để kiểm soát nồng độ axit uric. Hạn chế ăn thực phẩm giàu purine, lựa chọn sản phẩm từ sữa ít béo, ngũ cốc nguyên hạt, trái cây và rau quả, uống nhiều nước là phương pháp hiệu quả để điều hòa axit uric.

2.Tập thể dục thường xuyên

Tập thể dục thường xuyên không chỉ giúp duy trì trạng thái sức khỏe mà còn cải thiện lưu thông máu và hỗ trợ bài tiết axit uric qua tuyến mồ hôi. Nên lựa chọn các bài tập phù hợp với lứa tuổi, điều kiện thể chất và duy trì thói quen tập luyện mỗi ngày sẽ giúp axit uric nhanh chóng được kiểm soát.

3.Không sử dụng rượu bia

Rượu, bia và đồ uống có cồn là một trong những nguyên nhân thúc đẩy nồng độ axit uric trong cơ thể tăng cao. Vì vậy, cần hạn chế hoặc tránh hoàn toàn rượu bia để có thể cân bằng axit uric một cách hiệu quả.

4.Quản lý cân nặng

Thừa cân, béo phì không những làm tăng tiết axit uric mà còn gây áp lực lên cơ xương khớp, tăng những biểu hiện của bệnh gout gây nên. Việc kiểm soát cân nặng là yếu tố đặc biệt quan trọng để có thể đạt được trạng thái sức khỏe ổn định và một chỉ số axit uric ở ngưỡng an toàn.

Thứ Bảy, 13 tháng 7, 2024

Chỉ số axit uric bao nhiêu thì bị gout?

 HƯƠNG SƠN

Tăng axit uric máu là nguyên nhân gây ra bệnh gout. Ảnh ghép: HƯƠNG SƠN© Lao Động

Khi biết chính xác chỉ số axit uric đạt ở ngưỡng nào, chúng ta có thể chủ động điều chỉnh sức khỏe của mình một cách hợp lý, tránh biến chứng nặng hơn.

ThS.BS Nguyễn Thị Phương - Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh cho biết, nồng độ axit uric trong máu tăng cao, vượt qua mức bình thường là nguyên nhân chủ yếu gây ra bệnh gout. Tuy nhiên, không phải tất cả các trường hợp đều xảy ra theo cơ chế này.

Chỉ số axit uric bình thường nằm trong khoảng từ 2,5 - 7,0 mg/dL ở nam và 1,5 - 6,0 mg/dL ở nữ.

Axit uric tồn tại trong huyết thanh/huyết tương, mô và tế bào với điều kiện sản xuất và đào thải ổn định. Hầu hết các mô trong cơ thể đều có khả năng tạo ra axit uric, tuy nhiên quá trình đào thải chủ yếu chỉ diễn ra ở thận.

Tăng axit uric máu là nguyên nhân gây ra bệnh gout. Chỉ số axit uric cao được xác định như sau: >6,0 mg/dL ở nữ; 7,0 mg/dL ở nam; Trẻ em và thanh thiếu niên là >5,5 mg/dL

Tuy nhiên, trong một số trường hợp, tăng axit uric trong máu không gây ra bệnh gout.

Bệnh gout có thể tự khỏi, triệu chứng biến mất trong vòng vài ngày hoặc vài tuần trong khi chỉ số axit uric vẫn vượt ngưỡng ổn định.

Cũng theo bác sĩ Phương, hiện nay, xét nghiệm máu và nước tiểu để kiểm tra nồng độ axit uric trong cơ thể chính xác. Sau khi biết chỉ số axit uric bao nhiêu thì bị gout, người bệnh nên tìm hiểu phương pháp kiểm soát hiệu quả khi giá trị axit uric quá cao. Quá trình điều trị phụ thuộc vào triệu chứng hoặc mức độ nghiêm trọng của tình trạng viêm/nhiễm trùng đang mắc phải.

 

Thứ Tư, 10 tháng 7, 2024

Chế độ ăn cho người cần kiểm soát lượng axit uric trong máu

 Hà Lê (Theo Cục an toàn thực phẩm - Bộ Y tế)

Nếu lượng axit uric cao trong máu có thể gây bệnh gout và để giúp kiểm soát tốt, bạn cần theo dõi lượng thực phẩm ăn uống của bạn hàng ngày. Ăn uống lành mạnh và có thể dùng thuốc thích hợp sẽ giúp bạn đạt được mức axit uric cần mong muốn.

Táo

Táo rất giàu axit malic, sẽ giúp trung hòa axit uric. Điều này giúp giảm nhẹ cho những bệnh nhân đang bị lượng axit uric cao trong máu.

Giấm táo

Uống giấm táo cũng có lợi cho những người bị axit uric cao. Bạn có thể thêm 3 thìa cà phê giấm vào 1 cốc nước. Uống giấm táo giúp điều trị tình trạng axit uric cao.

Nước ép đậu Pháp

Uống nước ép chiết xuất từ đậu Pháp là một phương pháp điều trị bệnh gút tại nhà hiệu quả. Bạn nên uống nước trái cây lành mạnh này 2 lần/ngày vì nó giúp cải thiện tốt lượng axit uric cao trong máu.

Nước

Nước giúp thải độc tố ra khỏi cơ thể, bao gồm cả axit uric dư thừa. Vì vậy, hãy uống ít nhất 8-9 ly nước mỗi ngày.

Quả Cherry

Loại quả này có chứa chất kháng viêm, giúp giảm nồng độ axit uric, ngăn chặn axit uric kết tinh và lắng đọng trong các khớp. Một lý do nữa là loại quả này còn giúp trung hòa axit và giúp giảm viêm, đau.

Loại quả mọng

Ăn các loại quả mọng, đặc biệt là dâu tây và việt quất. Chúng cũng là một loại quả giúp khác viêm và giảm lượng axit uric.

Nước ép rau tươi

Nước ép cà rốt, củ dền, dưa chuột rất tốt và là phương thức hữu hiệu giảm lượng axit uric trong máu.

Sản phẩm sữa ít béo

Bạn nên dùng các sản phẩm sữa ít béo trong chế độ ăn uống của bạn, thực phẩm này sẽ giúp bạn giảm lượng axit uric trong máu

Thực phẩm giàu vitamin C

Ăn uống các loại thực phẩm giàu vitamin C là một cách khác để duy trì lượng axit uric. Những thực phẩm này giúp phân hủy axit uric và đào thải nó ra khỏi cơ thể. Bao gồm các loại thực phẩm như kiwi, ổi, cam, chanh, cà chua và các loại rau lá xanh khác.

Dầu ô liu

Nấu thức ăn với dầu ô liu, đây là một thực phẩm lành mạnh vì dầu này các đặc tính chống oxy hóa và chống viêm.

Hạt cần tây

Một trong những biện pháp phổ biến nhất tại nhà để điều trị nồng độ axit uric cao là ăn hạt cần tây.

Đậu Pinto

Đậu Pinto chứa nhiều axit folic giúp hạ axit uric một cách tự nhiên. Bạn cũng có thể ăn hạt hướng dương và đậu lăng để giảm nguy cơ lượng axit uric cao trong máu.

Thực phẩm giàu chất xơ

Bổ sung thực phẩm giàu chất xơ cũng giúp giảm nồng độ axit uric trong máu. Chúng hấp thụ axit uric từ máu và giúp đào thải axit uric dư thừa ra khỏi cơ thể thông qua thận. Nếu bạn đã được chẩn đoán có axit uric cao, hãy tăng cường tiêu thụ các chất xơ hòa tan trong chế độ ăn uống như yến mạch, táo, cam, bông cải xanh, lê, dâu tây, quả việt quất, dưa chuột, cần tây, cà rốt và lúa mạch.

Chuối

Ăn chuối rất tốt trong việc giảm nồng độ axit uric dư thừa.

Trà xanh

Một cách khác để điều trị axit uric cao là uống trà xanh mỗi ngày. Điều này giúp kiểm soát tình trạng tăng axit uric và cũng làm giảm nguy cơ phát triển bệnh gút.

Uống nước trà xanh thường xuyên có thể hỗ trợ giảm chỉ số axit uric trong máu. Đồ hoạ: Phương Anh© Được Lao Động cung cấp

Các loại hạt

Ăn các loại hạt có tính kiềm cao và chúng cũng thực sự giúp cải thiện lượng axit uric trong máu của bạn.

Cà chua, dưa chuột và bông cải xanh

Ăn cà chua, dưa chuột và bông cải xanh trước khi bắt đầu bữa ăn. Đây là cách tốt nhất để có thể ngăn ngừa sự hình thành axit uric cao trong máu của bạn. Bản chất kiềm của chúng rất hữu ích để duy trì cân bằng axit uric trong máu.

Omega 3

Bổ sung axit béo omega 3. Bạn có thể ăn hạt lanh, cá như cá hồi, cá thu, cá trích, cá mòi và quả óc chó vì chúng giúp giảm sưng và viêm.