THÚ VUI CỦA NGƯỜI GIÀ

Thứ Ba, 16 tháng 7, 2024

Nguyên nhân axit uric tăng cao

 THÙY DUNG ( Dịch ONLY MY HEATHY )

Nồng độ axit uric tăng cao có thể đến từ các tác nhân bên trong cơ thể hoặc một chế độ ăn uống, sinh hoạt thiếu lành mạnh.

Nguyên nhân nào khiến axit uric tăng cao

Axit uric được cơ thể phân hủy từ các bazơ purin ngoại sinh có trong thực phẩm hoặc purin nội sinh tạo ra trong quá trình phá hủy tế bào tự nhiên trong cơ thể. Quá trình này được thực hiện chủ yếu ở gan, sau đó acid uric được lọc ở thận và bài tiết ra ngoài theo nước tiểu. Một phần nhỏ acid uric được thải qua đường tiêu hóa.

Có 2 nguyên nhân khiến axit uric tăng cao, cụ thể:

1.Hội chứng chuyển hóa

Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng axit uric tăng cao là do quá trình sản xuất axit uric bị rối loạn. Quá trình này sẽ liên quan đến một số bệnh lý như rối loạn chuyển hóa, béo phì, vẩy nến...

Khi cơ thể sản xuất quá nhiều axit uric trong quá trình phân hủy purin dẫn đến tình trạng mất cân bằng axit uric.

2.Chế độ dinh dưỡng

Chế độ ăn uống đóng vai trò quyết định đến nồng độ axit uric. Các loại thực phẩm giàu purin như nội tạng, hải sản có vỏ, thịt đỏ và một số loại cá có thể làm tăng sản xuất axit uric trong cơ thể. Bên cạnh đó, thói quen uống nhiều rượu bia cũng có thể trở thành nguyên nhân khiến axit uric tăng cao khó kiểm soát.

Những dấu hiệu axit uric tăng cao

1.Sưng đau xương khớp

Một trong những triệu chứng dễ nhận biết nhất của việc axit uric tăng là đau nhức xương khớp. Cơn đau thường xuất hiện ở khu vực ngón chân, ngón tay, mắt cá chân, đầu gối, cổ tay. Các cơn đau thường diễn ra đột ngột, dữ dội kèm theo hiện tượng tấy đỏ.

Axit uric tăng cao có thể dẫn đến nhiều biểu hiện sức khỏe tiêu cực. Đồ họa: Thùy Dung© Được Lao Động cung cấp

2.Sỏi thận do axit uric tăng cao

Nồng độ axit uric cao có thể là nguyên nhân hình thành sỏi thận và gây đau dữ dội ở vùng lưng, bụng. Bên cạnh đó, các biểu hiện như tiểu nhiều, tiểu thường xuyên, tiểu ra máu cũng có thể là biểu hiện của nồng độ axit uric tăng cao bất thường.

3.Mệt mỏi và khó chịu

Nồng độ axit uric tăng cao có thể cản trở quá trình chuyển hóa của cơ thể dẫn đến mệt mỏi, khó chịu. Nếu bạn cảm thấy mệt mỏi kéo dài thì rất có thể nồng độ axit uric đang tăng cao. Lúc này, bạn nên thực hiện các xét nghiệm để nhận biết và điều trị kịp thời.

Kiểm soát axit uric với 4 thói quen cơ bản

1.Thay đổi chế độ ăn uống

Việc lựa chọn chế độ ăn uống thông minh là rất quan trọng để kiểm soát nồng độ axit uric. Hạn chế ăn thực phẩm giàu purine, lựa chọn sản phẩm từ sữa ít béo, ngũ cốc nguyên hạt, trái cây và rau quả, uống nhiều nước là phương pháp hiệu quả để điều hòa axit uric.

2.Tập thể dục thường xuyên

Tập thể dục thường xuyên không chỉ giúp duy trì trạng thái sức khỏe mà còn cải thiện lưu thông máu và hỗ trợ bài tiết axit uric qua tuyến mồ hôi. Nên lựa chọn các bài tập phù hợp với lứa tuổi, điều kiện thể chất và duy trì thói quen tập luyện mỗi ngày sẽ giúp axit uric nhanh chóng được kiểm soát.

3.Không sử dụng rượu bia

Rượu, bia và đồ uống có cồn là một trong những nguyên nhân thúc đẩy nồng độ axit uric trong cơ thể tăng cao. Vì vậy, cần hạn chế hoặc tránh hoàn toàn rượu bia để có thể cân bằng axit uric một cách hiệu quả.

4.Quản lý cân nặng

Thừa cân, béo phì không những làm tăng tiết axit uric mà còn gây áp lực lên cơ xương khớp, tăng những biểu hiện của bệnh gout gây nên. Việc kiểm soát cân nặng là yếu tố đặc biệt quan trọng để có thể đạt được trạng thái sức khỏe ổn định và một chỉ số axit uric ở ngưỡng an toàn.

Thứ Bảy, 13 tháng 7, 2024

Chỉ số axit uric bao nhiêu thì bị gout?

 HƯƠNG SƠN

Tăng axit uric máu là nguyên nhân gây ra bệnh gout. Ảnh ghép: HƯƠNG SƠN© Lao Động

Khi biết chính xác chỉ số axit uric đạt ở ngưỡng nào, chúng ta có thể chủ động điều chỉnh sức khỏe của mình một cách hợp lý, tránh biến chứng nặng hơn.

ThS.BS Nguyễn Thị Phương - Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh cho biết, nồng độ axit uric trong máu tăng cao, vượt qua mức bình thường là nguyên nhân chủ yếu gây ra bệnh gout. Tuy nhiên, không phải tất cả các trường hợp đều xảy ra theo cơ chế này.

Chỉ số axit uric bình thường nằm trong khoảng từ 2,5 - 7,0 mg/dL ở nam và 1,5 - 6,0 mg/dL ở nữ.

Axit uric tồn tại trong huyết thanh/huyết tương, mô và tế bào với điều kiện sản xuất và đào thải ổn định. Hầu hết các mô trong cơ thể đều có khả năng tạo ra axit uric, tuy nhiên quá trình đào thải chủ yếu chỉ diễn ra ở thận.

Tăng axit uric máu là nguyên nhân gây ra bệnh gout. Chỉ số axit uric cao được xác định như sau: >6,0 mg/dL ở nữ; 7,0 mg/dL ở nam; Trẻ em và thanh thiếu niên là >5,5 mg/dL

Tuy nhiên, trong một số trường hợp, tăng axit uric trong máu không gây ra bệnh gout.

Bệnh gout có thể tự khỏi, triệu chứng biến mất trong vòng vài ngày hoặc vài tuần trong khi chỉ số axit uric vẫn vượt ngưỡng ổn định.

Cũng theo bác sĩ Phương, hiện nay, xét nghiệm máu và nước tiểu để kiểm tra nồng độ axit uric trong cơ thể chính xác. Sau khi biết chỉ số axit uric bao nhiêu thì bị gout, người bệnh nên tìm hiểu phương pháp kiểm soát hiệu quả khi giá trị axit uric quá cao. Quá trình điều trị phụ thuộc vào triệu chứng hoặc mức độ nghiêm trọng của tình trạng viêm/nhiễm trùng đang mắc phải.

 

Thứ Tư, 10 tháng 7, 2024

Chế độ ăn cho người cần kiểm soát lượng axit uric trong máu

 Hà Lê (Theo Cục an toàn thực phẩm - Bộ Y tế)

Nếu lượng axit uric cao trong máu có thể gây bệnh gout và để giúp kiểm soát tốt, bạn cần theo dõi lượng thực phẩm ăn uống của bạn hàng ngày. Ăn uống lành mạnh và có thể dùng thuốc thích hợp sẽ giúp bạn đạt được mức axit uric cần mong muốn.

Táo

Táo rất giàu axit malic, sẽ giúp trung hòa axit uric. Điều này giúp giảm nhẹ cho những bệnh nhân đang bị lượng axit uric cao trong máu.

Giấm táo

Uống giấm táo cũng có lợi cho những người bị axit uric cao. Bạn có thể thêm 3 thìa cà phê giấm vào 1 cốc nước. Uống giấm táo giúp điều trị tình trạng axit uric cao.

Nước ép đậu Pháp

Uống nước ép chiết xuất từ đậu Pháp là một phương pháp điều trị bệnh gút tại nhà hiệu quả. Bạn nên uống nước trái cây lành mạnh này 2 lần/ngày vì nó giúp cải thiện tốt lượng axit uric cao trong máu.

Nước

Nước giúp thải độc tố ra khỏi cơ thể, bao gồm cả axit uric dư thừa. Vì vậy, hãy uống ít nhất 8-9 ly nước mỗi ngày.

Quả Cherry

Loại quả này có chứa chất kháng viêm, giúp giảm nồng độ axit uric, ngăn chặn axit uric kết tinh và lắng đọng trong các khớp. Một lý do nữa là loại quả này còn giúp trung hòa axit và giúp giảm viêm, đau.

Loại quả mọng

Ăn các loại quả mọng, đặc biệt là dâu tây và việt quất. Chúng cũng là một loại quả giúp khác viêm và giảm lượng axit uric.

Nước ép rau tươi

Nước ép cà rốt, củ dền, dưa chuột rất tốt và là phương thức hữu hiệu giảm lượng axit uric trong máu.

Sản phẩm sữa ít béo

Bạn nên dùng các sản phẩm sữa ít béo trong chế độ ăn uống của bạn, thực phẩm này sẽ giúp bạn giảm lượng axit uric trong máu

Thực phẩm giàu vitamin C

Ăn uống các loại thực phẩm giàu vitamin C là một cách khác để duy trì lượng axit uric. Những thực phẩm này giúp phân hủy axit uric và đào thải nó ra khỏi cơ thể. Bao gồm các loại thực phẩm như kiwi, ổi, cam, chanh, cà chua và các loại rau lá xanh khác.

Dầu ô liu

Nấu thức ăn với dầu ô liu, đây là một thực phẩm lành mạnh vì dầu này các đặc tính chống oxy hóa và chống viêm.

Hạt cần tây

Một trong những biện pháp phổ biến nhất tại nhà để điều trị nồng độ axit uric cao là ăn hạt cần tây.

Đậu Pinto

Đậu Pinto chứa nhiều axit folic giúp hạ axit uric một cách tự nhiên. Bạn cũng có thể ăn hạt hướng dương và đậu lăng để giảm nguy cơ lượng axit uric cao trong máu.

Thực phẩm giàu chất xơ

Bổ sung thực phẩm giàu chất xơ cũng giúp giảm nồng độ axit uric trong máu. Chúng hấp thụ axit uric từ máu và giúp đào thải axit uric dư thừa ra khỏi cơ thể thông qua thận. Nếu bạn đã được chẩn đoán có axit uric cao, hãy tăng cường tiêu thụ các chất xơ hòa tan trong chế độ ăn uống như yến mạch, táo, cam, bông cải xanh, lê, dâu tây, quả việt quất, dưa chuột, cần tây, cà rốt và lúa mạch.

Chuối

Ăn chuối rất tốt trong việc giảm nồng độ axit uric dư thừa.

Trà xanh

Một cách khác để điều trị axit uric cao là uống trà xanh mỗi ngày. Điều này giúp kiểm soát tình trạng tăng axit uric và cũng làm giảm nguy cơ phát triển bệnh gút.

Uống nước trà xanh thường xuyên có thể hỗ trợ giảm chỉ số axit uric trong máu. Đồ hoạ: Phương Anh© Được Lao Động cung cấp

Các loại hạt

Ăn các loại hạt có tính kiềm cao và chúng cũng thực sự giúp cải thiện lượng axit uric trong máu của bạn.

Cà chua, dưa chuột và bông cải xanh

Ăn cà chua, dưa chuột và bông cải xanh trước khi bắt đầu bữa ăn. Đây là cách tốt nhất để có thể ngăn ngừa sự hình thành axit uric cao trong máu của bạn. Bản chất kiềm của chúng rất hữu ích để duy trì cân bằng axit uric trong máu.

Omega 3

Bổ sung axit béo omega 3. Bạn có thể ăn hạt lanh, cá như cá hồi, cá thu, cá trích, cá mòi và quả óc chó vì chúng giúp giảm sưng và viêm.

Chủ Nhật, 7 tháng 7, 2024

THỰC PHẨM ĂN ĐỂ SỐNG THỌ

 8 thực phẩm nên ăn để sống thọ, sống khoẻ hơn

 Dưới đây là những thực phẩm tốt cho sức khoẻ, giúp kéo dài tuổi thọ được các chuyên gia khuyên nên bổ sung thường xuyên.

Quả hạch

Báo Pháp luật TP.HCM dẫn nguồn một nghiên cứu của Mỹ trên trang Eat This, Not That đã quan sát thấy, nguy cơ mắc các biến cố tim mạch nghiêm trọng giảm đáng kể ở những người ăn chế độ ăn Địa Trung Hải bổ sung các loại hạt so với chế độ ăn giảm chất béo. Nhóm ăn các loại hạt có nguy cơ tử vong thấp hơn 39%.

Các loại hạt rất giàu chất béo không bão hòa (một dạng chất béo lành mạnh), chất xơ, chất chống oxy hóa, một số loại vitamin và khoáng chất giúp tăng cường sức khỏe tim mạch, giúp kiểm soát cân nặng và có thể giúp kéo dài tuổi thọ.

Nghệ

Nghệ chứa chất curcumin, một hợp chất hoạt tính sinh học có đặc tính chống viêm và chống oxy hóa mạnh.

Viêm mãn tính là yếu tố quan trọng gây ra nhiều bệnh liên quan đến lão hóa và tác dụng chống viêm của curcumin có thể giúp giảm thiểu điều này. Hơn nữa, chất curcumin liên quan đến việc giảm nguy cơ mắc bệnh tim, đây là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở Hoa Kỳ.

Trái cây

Các loại trái cây đầy màu sắc và giàu dinh dưỡng như quả mọng và trái cây họ cam quýt không chỉ làm thỏa mãn cảm giác thèm ngọt, mà còn cung cấp nhiều loại vitamin và chất chống oxy hóa hỗ trợ sức khỏe tổng thể.

Cá và thịt trắng

Lựa chọn các nguồn protein nạc như cá và thịt trắng giúp tăng cường cơ bắp và giảm nguy cơ mắc các bệnh mạn tính.

Sữa và các sản phẩm từ sữa

Sữa và các sản phẩm từ sữa chứa nhiều canxi và các chất dinh dưỡng thiết yếu, góp phần tăng cường sức khỏe của xương. Đây cũng là yếu tố của chế độ ăn uống cân bằng giúp kéo dài tuổi thọ.

Rau

Các loại rau, đặc biệt là rau lá xanh, cung cấp rất nhiều vitamin, khoáng chất và chất chống oxy hóa giúp tăng cường sức khỏe tổng thể.

Chế độ ăn uống và lối sống lành mạnh là một trong những yếu tố quan trọng quyết định sức khoẻ của bạn.© Được VTC cung cấp

Cà chua

Người Sardinia, Italy yêu thích cà chua và sử dụng trong một số món ăn chính của mình. Cà chua chứa lycopene, chất chống oxy hóa có đặc tính chống viêm, giúp hạ huyết áp, giảm nguy cơ mắc hội chứng chuyển hóa và đột quỵ.

Cà chua bi là trái cây chứa hàm lượng beta carotene cao được chứng minh có thể giúp giảm nguy cơ phát triển khối u liên quan đến ung thư tuyến tiền liệt.

Rượu vang đỏ

Nhiều người sống ở vùng xanh uống rượu vang đỏ hàng ngày như một phần trong chế độ ăn uống lành mạnh của mình, khoảng 2 ly mỗi ngày.

Một số nghiên cứu cho rằng rượu vang có thể kéo dài tuổi thọ nhờ chứa chất chống oxy hóa và hàm lượng polyphenol. Tuy nhiên, với bất kỳ loại rượu nào, uống điều độ là chìa khóa quan trọng và phải tham khảo ý kiến bác sĩ về tình trạng sức khỏe của mình trước khi uống.


Thứ Sáu, 5 tháng 7, 2024

5 loại rau quả giúp 'đánh tan' cục máu đông

 Câu chuyện của Hằng Trần

Bí đao, măng tây, hành tây... đều có tác dụng đào thải chất độc, các thành phần gây tắc nghẽn mạch máu, loại bỏ cục máu đông hiệu quả.

Cục máu đông hay còn gọi là huyết khối. Nó nằm trong mạch máu, bao gồm các tiểu cầu lắng đọng, fibrin không hòa tan và các thành phần khác. Một khi cục máu đông xuất hiện, tốc độ lưu thông máu trong cơ thể sẽ bất thường, lượng máu cung cấp cho các cơ quan và mô khác nhau sẽ giảm đi và tăng nguy cơ mắc bệnh về mạch máu.

Trong trường hợp nghiêm trọng, cục máu đông còn có thể nguy hiểm đến tính mạng người bệnh. Vì vậy, đối với những người có cục máu đông cần phải điều trị kịp thời, đồng thời điều chỉnh chế độ ăn uống. Ngoài việc không ăn quá nhiều thực phẩm giàu chất béo, nhiều muối, nhiều đường và gây kích ứng, bạn cũng nên ăn nhiều rau củ hơn. Dưới đây là các loại rau được mệnh danh là "thuốc tiêu huyết khối", có ích cho sức khỏe của bạn.

1. Bí đao

Ảnh: Pinterest© Được Ngoi sao cung cấp

Nếu bạn bị huyết khối, huyết áp cao, tăng đường huyết, tăng lipid máu hoặc một số bệnh về tim mạch và mạch máu não, bạn nên ăn bí đao. Bí đao là loại thực phẩm ít calo, nhiều kali, ít natri, có tác dụng lợi tiểu, hạ huyết áp rất tốt.

Hơn nữa, hàm lượng chất xơ trong bí đao đặc biệt cao, có thể làm giảm lipid và cholesterol trong ruột và máu, từ đó bảo vệ sức khỏe đường ruột và ngăn ngừa xơ cứng động mạch.

2. Măng tây

Ảnh: Allrecipes© Được Ngoi sao cung cấp

Các loại vitamin khác nhau có trong măng tây có thể tăng cường tính đàn hồi của mạch máu, đồng thời chứa nhiều chất dinh dưỡng hơn như axit folic và selen, có tác dụng bảo vệ nhất định đối với sức khỏe mạch máu. Ngoài ra, măng tây còn chứa rất nhiều axit nucleic và thành phần axit sunfuric.

Sau khi những thành phần này vào cơ thể, chúng có thể làm sạch một số cholesterol trong mạch máu và thúc đẩy quá trình bài tiết, từ đó loại bỏ cục máu đông và thông tắc mạch máu. Hơn nữa, măng tây là một loại thực phẩm giàu chất xơ, sẽ bài tiết một số chất thải trao đổi chất trong ruột và thúc đẩy quá trình thải chất béo trung tính và một số chất chuyển hóa nhanh chóng trong mạch máu. Do đó ăn măng tây thúc đẩy quá trình lưu thông máu tổng thể.

3. Rau xà lách

Ảnh: Healthline© Được Ngoi sao cung cấp

Một khi xuất hiện cục máu đông hoặc lượng lipid trong máu tăng cao, bạn cần bổ sung rau xà lách vào chế độ ăn uống hàng ngày. Rau xà lách là một loại thực phẩm giàu vitamin và chất xơ, đồng thời nó cũng chứa một lượng lớn canxi, phốt pho và magiê.

Nó không chỉ thúc đẩy quá trình chuyển hóa các thành phần lipid trong cơ thể mà còn ngăn ngừa sự tích tụ quá mức của một số cholesterol trong mạch máu. Ngoài ra, mannitol có trong rau xà lách có tác dụng lợi tiểu và thúc đẩy tuần hoàn máu. Nó cũng có thể loại bỏ cục máu đông và làm giảm lipid máu.

4. Củ hành tây

Ảnh : NDTV© Được Ngoi sao cung cấp

Hành tây không chỉ chứa nhiều vitamin và các nguyên tố khoáng chất khác mà còn chứa axit amin lưu huỳnh. Thành phần này có thể tăng cường tiêu sợi huyết trong cơ thể con người và có tác dụng rất mạnh trong việc làm tan cục máu đông, hạ lipid máu và làm sạch mạch máu.

Ngoài ra, chất prostaglandin có trong hành tây có thể làm giãn mạch máu, không chỉ hỗ trợ hạ huyết áp mà còn có thể nhanh chóng đào thải một số chất thải trao đổi chất từ mạch máu.

5. Cà tím

Ảnh: Taste of Home© Được Ngoi sao cung cấp

Cà tím là thực phẩm lý tưởng cho những bệnh nhân mắc chứng "ba cao": cao huyết áp, tiểu đường, mỡ máu cao. Hàm lượng đường trong cà tím rất thấp và chứa rất nhiều chất xơ. Nó không chỉ có thể hỗ trợ hạ huyết áp và ổn định lượng đường trong máu mà còn có thể tăng cường tính đàn hồi của mạch máu. Hơn nữa, vitamin C và saponin trong cà tím có tác dụng làm giảm cholesterol trong mạch máu.

Ngoài ra, vitamin P có trong cà tím có thể ngăn ngừa xơ cứng động mạch.

Ngoài 5 loại rau này, các chất dinh dưỡng có trong cần tây, nấm hương, cà rốt, đậu bắp, nấm hương, nấm mèo đều có tác dụng ngăn ngừa huyết khối và giúp loại bỏ cục máu đông. Nó còn có tác dụng rất quan trọng trong việc ngăn chặn sự khởi phát đột ngột của một số bệnh về tim mạch và mạch máu não.

Bên cạnh đó, đối với người bị huyết khối, mỗi ngày nên tiêu thụ rau, trái cây ít đường, ngũ cốc nguyên hạt và các loại đậu một cách hợp lý. Bạn cũng nên bổ sung hợp lý các thực phẩm giàu protein chất lượng cao như cá, sữa. Bạn cũng nên uống nhiều nước đun sôi để nguội, có thể giúp làm tan huyết khối.

Hằng Trần (Theo Aboluowang)

Thứ Năm, 27 tháng 6, 2024

BA LOẠI RAU TĂNG THÊM TUỔI THỌ

 Ba loại rau mọc hoang ngoài vườn giúp bạn cộng thêm tuổi thọ, cả đời ít ốm đau

 Dưới đây là 3 loại rau bạn nên bổ sung thường xuyên vào chế độ ăn uống của mình, giúp sống khỏe, bệnh tật ít ghé thăm.

1.Rau dền

Rau dền giàu chất xơ, tỉ lệ chất xơ có trong rau dền cao hơn các loại rau khác (Nguồn Sohu)© Được VTC cung cấp

Rau dền giàu chất xơ, tỉ lệ chất xơ có trong rau dền cao hơn các loại rau khác. Ăn rau dền giúp thúc đẩy nhu động ruột, giúp chức năng tiêu hóa tốt hơn, đồng thời có thể thanh lọc một số chất có hại ra khỏi cơ thể. Từ đó rau giúp ngăn ngừa táo bón, một số chị em thực hiện chế độ giảm cân cũng hay ăn loại rau này.

Loại rau này được ví như một viên canxi tự nhiên dành cho trẻ em. Lá rau dền rất giàu canxi, protein, lượng canxi có trong loại rau này cao hơn cả canxi có trong tôm, được cơ thể dễ dàng hấp thụ. Canxi có trong rau giúp xương và răng chắc khỏe, chống loãng xương.

Hàm lượng canxi, sắt và vitamin K có trong rau dền có thể thúc đẩy quá trình đông máu và tạo máu, giúp duy trì hoạt động bình thường của cơ tim, ngăn ngừa co thắt cơ. Đối với những người trung niên và cao tuổi, bệnh nhân bị thiếu máu, đây là một lựa chọn tuyệt vời để bổ sung vào chế độ dinh dưỡng.

2.Rau khoai lang

Rau lang được mệnh danh là rau trường thọ (Ảnh minh hoạ: Sohu)© Được VTC cung cấp

Thông thường chúng ta chỉ sử dụng phần củ, phần lá của cây khoai lang sẽ bị bỏ qua. Nhưng những chiếc lá đó lại là một kho báu giàu chất dinh dưỡng. Lá khoai lang được ăn rộng rãi ở Nhật Bản và được coi là một trong những bí quyết để tăng cường sức khỏe và tuổi thọ.

Lá khoai lang giàu flavonoid, vitamin A, protein, chất xơ, giúp tăng cường thị lực, thúc đẩy quá trình tiết sữa, cải thiện khả năng miễn dịch, tránh táo bón, phòng ngừa thiếu máu…vv.

3.Rau má

Rau má có vị hơi đắng, mọc dại nhiều ở Việt Nam, nhưng là phương thuốc quý được nhiều nước trên thế giới sử dụng. Loại rau này có lá hình tròn giống đồng xu, vị hơi đắng, mùi thơm thoang thoảng, có rất nhiều lợi ích nhưng nhiều người không biết.

Ăn rau má thường xuyên sẽ giúp bạn bổ sung protein cho cơ thể. Hàm lượng vitamin C, photpho, kẽm và sắt trong rau má sau khi được cơ thể hấp thụ, sẽ thúc đẩy quá trình trao đổi chất, sự tái tạo của các tế bào miễn dịch trong cơ thể con người. Vì vậy, nếu thường xuyên bổ sung rau má vào chế độ ăn, lá chắn miễn dịch bảo vệ cơ thể bạn sẽ được gia tăng sức mạnh, từ đó giúp bạn khỏe mạnh, ít ốm đau.

Ngoài ra, tiêu viêm, khử trùng, thanh nhiệt giải độc cũng là những lợi ích vàng mà rau má đem lại. Rau má trong Đông y được coi là dược liệu có tính lạnh, giúp loại bỏ độc tố nhiệt trong cơ thể con người. Ngoài ra, các chất có trong rau má có thể loại bỏ nhiều loại vi khuẩn gây bệnh, ngăn ngừa nhiễm trùng, đẩy nhanh quá trình chữa lành vết thương.

Thứ Tư, 19 tháng 6, 2024

Đau bả vai cảnh báo nhiều bệnh

 Nhiều bệnh cơ xương khớp thường gây đau bả vai như căng cơ, rách gân, gãy xương, ngoài ra viêm màng ngoài tim, ung thư cũng có thể có triệu chứng này.

Đau bả vai là tình trạng vùng vai sưng đau, dẫn đến hạn chế vận động của cánh tay và vai. ThS.BS.CKI Nguyễn Văn Lưu, Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết đau bả vai có thể xuất phát từ nhiều bệnh lý. Tìm ra chính xác nguyên nhân dẫn đến tình trạng này đóng vai trò rất lớn trong điều trị.

Dưới đây là một số bệnh cơ xương khớp có thể gây đau bả vai.

Căng cơ là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất, xảy ra do sử dụng quá mức các cơ ở bả vai dẫn tới căng cơ hoặc chấn thương. Người bị stress nặng, cơ lưng và vai cũng có thể căng, co thắt, gây đau ở bả vai, cổ, lưng.

Đau bả vai có thể là dấu hiệu cảnh báo nhiều bệnh lý. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh© Được VnExpress cung cấp

Rách cơ chóp xoay vai là tình trạng các cơ xoay của khớp vai rách một phần hoặc toàn bộ. Nguyên nhân là do theo thời gian, các gân cơ chóp xoay bị thoái hóa, mài mòn, dẫn tới chóp xoay rách hoặc đứt.

Hội chứng đông cứng khớp vai là tình trạng đau do viêm quá mức của khớp. Biểu hiện đặc trưng của bệnh là đau, nhất là về đêm, cứng khớp vai gây hạn chế vận động. Người bệnh cần được điều trị và tập phục hồi chức năng nhằm lấy lại vận động cho khớp.

Hội chứng đau cân cơ là rối loạn đau mạn tính. Khi nhấn vào điểm nhạy cảm trong cơ bắp của người bệnh gây đau tại vùng khác.

Đau cơ xơ hóa là bệnh gây đau toàn thân. Đặc trưng bởi các cơn đau từ sâu bên trong cơ, nhưng khó xác định chính xác vị trí đau. Người bệnh có thể cảm thấy bị bỏng rát kèm theo, lan tỏa ra những khu vực khác trong thời gian dài.

Thoái hóa khớp vai là hiện tượng sụn khớp bị bào mòn dẫn tới phần xương dưới sụn, các đầu xương bả vai không được bảo vệ và cọ xát vào nhau gây đau, nhất là khi cử động. Quá trình cọ xát cũng làm xơ hóa xương dưới sụn, từ đó gây thoái hóa các đầu xương, hình thành gai xương và hốc xương dưới sụn.

Hẹp ống sống gây đau tới nhiều bộ phận khác nhau trên cơ thể, trong đó có xương bả vai. Đây là tình trạng thu hẹp không gian bên trong ống sống, gây áp lực lớn lên các rễ thần kinh, tủy sống đi qua cột sống.

Thoái hóa đĩa đệm xảy ra khi đĩa đệm cột sống mất đi sự dẻo dai vốn có, lệch khỏi vị trí thông thường, gây đau tới những bộ phận khác nhau trên cơ thể, bao gồm cả xương bả vai.

Gãy xương bả vai làm xuất hiện các triệu chứng sưng, đau và bầm tím ở vùng này. Đây là tình trạng ít gặp, thường chỉ xảy ra sau những chấn thương nặng như tai nạn giao thông, chấn thương thể thao hoặc té ngã mạnh.

Bác sĩ Lưu giải thích tình trạng sức khỏe xương khớp cho người bệnh. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh© Được VnExpress cung cấp

Theo bác sĩ Lưu, ngoài các vấn đề về cơ xương khớp, đau bả vai còn có thể là dấu hiệu cảnh báo bất thường ở tim, phổi, bụng, xương chậu, thậm chí ung thư. Mỗi bệnh lý có các phương pháp điều trị khác nhau. Người bệnh nên đến gặp bác sĩ để được khám, xác định nguyên nhân và có phương pháp điều trị kịp thời, ngăn bệnh tiến triển.

Phi Hồng