THÚ VUI CỦA NGƯỜI GIÀ

Chủ Nhật, 11 tháng 2, 2024

4 thức uống hàng ngày giúp kéo dài tuổi thọ

                   THANH THANH (THEO WELL AND GOOD)


Nước tốt cho sức khỏe tổng thể. Ảnh: Thanh Thanh© Lao Động

Trang Well and Good đưa ra 4 thức uống nếu uống hàng ngày có thể giúp kéo dài tuổi thọ.

Nước

Nước tốt cho sức khỏe tổng thể. So với các đồ uống khác, nước không chứa đường, hóa chất hoặc chất phụ gia.

Trà xanh

Caffein trong trà xanh có tác dụng tích cực và có liên quan đến tỉ lệ mắc bệnh tiểu đường và Parkinson thấp hơn, tỉ lệ mắc bệnh tim thấp hơn và khả năng tập trung cao hơn. Hạn chế uống vào buổi chiều để không ảnh hưởng đến giấc ngủ.

Trà xanh chứa nhiều chất chống ôxy hóa được gọi là flavanol, có liên quan đến việc giảm cholesterol xấu. Các nghiên cứu đã chỉ ra mối liên hệ giữa việc uống trà xanh và sức khỏe tim mạch tốt hơn.

Bên cạnh đó, trà xanh giảm đáng kể lượng đường trong máu lúc đói, có nghĩa là chống lại sự phát triển của bệnh tiểu đường loại 2. Trà xanh cũng rất tốt cho xương. Các polyphenol trong trà tăng cường sự hình thành xương và ức chế sự phân hủy xương.

Trà đen

Trà đen mang lại nhiều lợi ích giống như trà xanh. Nó cũng chứa caffein, polyphenol chống ôxy hóa, L-theanine và flavanol. Do đó, nó cũng bảo vệ chống lại sự phát triển của một số bệnh mãn tính bao gồm bệnh tiểu đường loại 2, ung thư, đột quỵ và bệnh tim mạch. Trà đen cũng tốt cho đường ruột và hệ tiêu hóa.

Cà phê

Tương tự như vậy, cà phê có chứa caffein và chất chống ôxy hóa có lợi. Cà phê cũng rất giàu chất dinh dưỡng thiết yếu, bao gồm vitamin B5 (tạo ra các tế bào hồng cầu), mangan (phát triển và chuyển hóa xương), kali (hạ huyết áp), magiê (để sản xuất năng lượng và ngủ), và niacin (chuyển đổi vitamin thành năng lượng).

Thứ Tư, 7 tháng 2, 2024

Nước nào trên thế giới đón Tết Nguyên đán?

 Vi Trân

 Hằng năm, cứ vào khoảng thời gian từ cuối tháng 1 đến đầu tháng 2, ước tính có khoảng 2 tỉ người trên toàn cầu, nhiều người trong số đó ở Đông và Đông Nam Á, đón năm mới âm lịch (Tết Nguyên đán).

 Truyền thống nông nghiệp hàng ngàn năm ở khu vực, với việc nông dân nhìn lên mặt trăng để biết thời điểm gieo hạt và thu hoạch mùa màng, đã dẫn tới việc ăn mừng Tết Nguyên đán, theo tạp chí Time.


Múa rồng mừng năm mới âm lịch 2023 tại Côn Minh, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc)   ẢNH CHỤP MÀN HÌNH CNBC

Kỳ nghỉ lễ rơi vào ngày trăng non thứ hai sau ngày đông chí, đánh dấu sự bắt đầu của một chu kỳ hằng năm mới dựa trên lịch âm, đồng thời là cách chào đón sự khởi đầu của mùa xuân. Tết Nguyên đán năm Giáp Thìn 2024 rơi vào ngày 10.2 dương lịch.

Người dân nhiều nước trên thế giới đón năm mới âm lịch, ngoài châu Á còn có nhiều nước châu Đại Dương (như Úc, New Zealand), châu Âu, châu Mỹ (Mỹ, Canada, Peru) hay châu Phi (Nam Phi, Mauritius).


Nhiều nước trên thế giới đón Tết Nguyên đán

Theo báo The Star, những nước công nhận năm mới âm lịch là ngày nghỉ lễ chính thức ngoài Việt Nam có Trung Quốc, CHDCND Triều Tiên, Hàn Quốc và các nước Đông Nam Á như Malaysia, Singapore, Indonesia, Philippines, Brunei, bên cạnh một số tỉnh miền nam Thái Lan, giáp với Malaysia.

Các nước này ăn mừng năm mới trong nhiều ngày, tùy theo văn hóa bản địa. Tại Trung Quốc, năm mới âm lịch gọi là Chunjie (Xuân tiết), có nghĩa là lễ hội mùa xuân, trong khi người Hàn Quốc gọi là Seollal hay Indonesia gọi là Imlek.

Mỗi năm, hàng trăm triệu người Trung Quốc, gồm người sống ở nước ngoài, quay về quê để ăn tết cùng gia đình. Sự kiện này có tên là xuân vận, còn được ví như là cuộc di cư thường niên lớn nhất, với hàng tỉ lượt đi lại của người dân dự kiến diễn ra trong vòng 40 ngày trước và sau Tết Nguyên đán.

Người Trung Quốc tại ga tàu ở Bắc Kinh trong đợt xuân vận năm 2019        REUTERS

Đối với người Hàn Quốc, Seollal là kỳ nghỉ dài 3 ngày từ ngày cuối năm đến ngày mồng 2 tết. Trong dịp này, người dân thường về quê thăm gia đình. Một số người mặc trang phục hanbok truyền thống và chơi những trò chơi dân gian trong dịp tết. Vào ngày tết, người Hàn Quốc bày dọn mâm cúng tổ tiên theo phong tục truyền thống gọi là Charye.

Các gia đình sẽ mua thực phẩm và chuẩn bị bàn cúng với các món có thịt, cá, gạo, rau củ, trái cây và bánh kẹo. Những người phụ nữ sẽ tụ tập trước ngày cúng để đi chợ và nấu thức ăn, thường là tại nhà của thành viên lớn nhất trong gia tộc và người con trai cả trong gia đình sẽ phụ trách hành lễ. Phong tục này nhằm cầu mong ông bà, tổ tiên phù hộ cho gia đình được thịnh vượng, dồi dào sức khỏe, và là dịp để gia đình tụ họp hằng năm.

Người Hàn Quốc mặc trang phục hanbok truyền thống, làm lễ cúng tổ tiên mừng năm mới âm lịch         AFP

 Liên Hiệp Quốc công nhận Tết Nguyên đán là ngày nghỉ

Trong phiên họp cuối cùng của năm 2023, Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc (ĐHĐ LHQ) đã thông qua nghị quyết lần đầu tiên công nhận Tết Nguyên đán là ngày nghỉ lễ hằng năm của LHQ, theo tờ South China Morning Post.

Nghị quyết của ĐHĐ LHQ nhấn mạnh Tết Nguyên đán là ngày lễ ở nhiều quốc gia thành viên, khuyến khích các cơ quan LHQ không tổ chức họp vào ngày đầu tiên của năm mới âm lịch.

Người dân tắm Phật tại đền Amurva Bhumi ở Jakarta, Indonesia trước thềm Tết Nguyên đán 2024 - REUTERS

Việc ĐHĐ LHQ thông qua nghị quyết nêu trên ngay trước thềm năm mới Giáp Thìn 2024 không chỉ có nghĩa quan trọng với các nước chính thức đón mừng Tết Nguyên đán mà còn là tin vui cho gần 2 tỉ người dân trên toàn thế giới coi năm mới âm lịch là dịp lễ quan trọng nhất trong năm.

Đây là sự công nhận của cộng đồng quốc tế đối với văn hóa cổ truyền Á Đông, là kết quả của quá trình phối hợp vận động tại LHQ, trong đó Việt Nam là một trong 12 nước tham gia thư chung gửi lãnh đạo LHQ hồi tháng 8.2023 và tích cực thúc đẩy việc này.

 

TẾT TA KHÔNG PHẢI TẾT TÀU

 Trong 1000 năm Bắc thuộc, một số phong tục từ phương Bắc nhập vào Việt Nam. Để đến bây giờ nhiều người cứ nghĩ nhầm Tết Nguyên Đán là Tết Tàu.

Trong khi dân tộc ta ăn Tết vào tháng Giêng (Dần) âm lịch từ rất lâu rồi, từ mấy ngàn năm trước, từ thời vua Hùng Vương (sự tích bánh dầy bánh chưng, thuần Việt), trước cả thời Tam Hoàng Ngũ Đế (2852-2205 trước Công Nguyên).

Họ Hồng Bàng dựng nước Văn Lang năm Nhâm Tuất 2879 trước CN.

Mãi sau người Tàu mới học theo Việt Nam để ăn Tết rồi biến thành Tết Tàu.

Theo lịch sử Trung quốc, nguồn gốc Tết Nguyên Đán có từ đời Tam Hoàng Ngũ Đế và thay đổi theo từng thời kỳ.

Đời Tam Đại chọn tháng Giêng (Dần) làm tháng Tết.

Nhà Thương chọn tháng Chạp (Sửu).

Nhà Chu chọn tháng mười một (Tí).

Đời Đông Chu, Khổng Tử chọn lại tháng Giêng (Dần).

Đời nhà Tần (thế kỷ 3 trước CN), Tần Thuỷ Hoàng lại chọn tháng Mười (Hợi).

Cuối cùng, đời nhà Hán (140 trước CN), Hán Vũ Đế vĩnh viễn chọn tháng Giêng (Dần) để người Hán ăn Tết cùng tháng cùng ngày như người Việt mình kể từ đó.

Trong Kinh Lễ, một quyển trong bộ Ngũ Kinh của Khổng Tử (551-479 trước CN) đã viết: “Ta không biết Tết là gì, nghe đâu đó là tên của một ngày lễ hội lớn của bọn nguời Man, họ nhảy múa như điên, uống rượu và ăn chơi vào những ngày đó, họ gọi tên cho ngày đó là Tế Sạ”.

Vậy nhé. Tết Ta, không phải Tết Tàu!

Nguồn: fb Hai Anh Vu

Quoc Tri Hoang+Đào Kiến Quốc

Pham Thu Nga Nga

Đấy là cách "ăn Tết" thôi. Ngày tháng lịch ta trùng hết! Không chỉ ta mà Nhật, Hàn cũng cùng ngày luôn. 👍


Thứ Hai, 5 tháng 2, 2024

ĂN bánh chưng NGÀY TẾT

 Người huyết áp cao ăn bánh chưng có nguy cơ đột quỵ không?

Tôi 65 tuổi, huyết áp cao nhưng rất thích ăn bánh chưng, bánh tét chiên trong ngày Tết. Thói quen này có dẫn đến đột quỵ không? (Trần Bằng, TP HCM)

Trả lời:

Hiện chưa có nghiên cứu nào cho thấy ăn bánh chưng, bánh tét gây ra đột quỵ. Tuy nhiên, ăn quá nhiều các món này, nhất là loại chiên rán, góp phần khởi phát hoặc tăng nặng các bệnh nền sẵn có như tim mạch, tăng huyết áp, xơ vữa mạch máu. Các bệnh này có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ.

Bánh chưng, bánh tét luộc, hấp hay chiên giòn chứa nhiều chất béo, tinh bột, đạm. Tiêu thụ quá nhiều chất béo dẫn đến thừa cân, mỡ máu cao, tăng khả năng hình thành mảng xơ vữa mạch máu, tăng huyết áp.

Một chiếc bánh chưng cỡ vừa (trọng lượng khoảng 114 g) có 204 kcal, khoảng 5 g chất đạm, 6 g chất béo, 34 g chất bột đường. Trung bình 1/4 chiếc bánh chưng có khoảng 500 calo (tương đương hai chén cơm), chứa nhiều năng lượng.

Người dùng nhiều bánh chưng rán thường bị đầy hơi, chướng bụng, khó tiêu cũng dễ dẫn đến tăng huyết áp, đường huyết cao, mỡ máu cao - những yếu tố nguy cơ đột quỵ.

Nếu anh bị tăng huyết áp, đái tháo đường, béo phì, tăng mỡ máu và lớn tuổi thì hạn chế bánh chưng. Có thể dùng khoảng 100 g bánh chưng (tức 1/8 chiếc bánh) hoặc một khoanh bánh tét mỏng mỗi ngày. Nên ăn vào bữa sáng hoặc trưa, tránh vào bữa tối vì dễ bị khó tiêu. Nên kết hợp bánh chưng, bánh tét với các loại củ ngâm chua để chống ngán. Hạn chế ăn bánh chưng kèm với hành muối hoặc củ kiệu vì nhiều muối gây tăng huyết áp.

Các thông tin trên mang tính tham khảo chung. Mỗi người có tình trạng sức khỏe và bệnh lý riêng nên có thể đi khám để bác sĩ tư vấn cụ thể. Người bệnh tăng huyết áp hay đái tháo đường, tăng mỡ máu nên tái khám định kỳ và dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ (nếu có).

TS.BS Nguyễn Thị Minh Đức

Trưởng Khoa Thần kinh, Trung tâm Khoa học Thần kinh

Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM

Chủ Nhật, 4 tháng 2, 2024

Bệnh mất trí nhớ - Alzheimer

 Alzheimer gây suy giảm trí nhớ và khả năng suy nghĩ, tiến triển nặng dần ảnh hưởng tính độc lập của người bệnh.

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi ThS.BS Hoàng Tiến Trọng Nghĩa và ThS.BS Trần Thị Hoài Thu, khoa Nội Thần kinh, Bệnh viện Quân y 175.

Định nghĩa

- Alzheimer là bệnh lý não bộ do sự thoái hóa làm chết các tế bào thần kinh, thường bị nhầm lẫn là tình trạng giảm trí nhớ bình thường ở người lớn tuổi.

- Bệnh gây suy giảm trí nhớ, học tập và khả năng suy nghĩ.

- Bệnh tiến triển nặng dần theo thời gian, ảnh hưởng tính độc lập của người bệnh trong sinh hoạt hằng ngày.

- Đôi lúc người bệnh gặp khó khăn trong việc tư duy, giao tiếp và có những hành vi, cảm xúc không phù hợp. Điều này đem lại gánh nặng lớn cho gia đình và xã hội.

- Bệnh Alzheimer là nguyên nhân phổ biến nhất của sa sút trí tuệ (60-70%).

- Ước tính khoảng 300.000-400.000 người Việt mắc bệnh Alzheimer.

- 60% người bệnh không được chẩn đoán.

- Bệnh có thể xuất hiện trong cơ thể từ trước thời điểm người bệnh có biểu hiện quên đầu tiên, có thể từ 5 năm, 10 năm và thậm chí 20 năm.

Cơ chế gây bệnh

- Quá trình thoái hóa khiến não bộ hình thành các mảng beta-amyloid và sự tích tụ bất thường của các protein tau.

- Các chất này khi lắng đọng lại sẽ làm tổn thương, ngăn chặn sự vận chuyển chất dinh dưỡng đảm bảo sự sinh tồn và hoạt động bình thường của các tế bào thần kinh, ảnh hưởng trí nhớ và các chức năng nhận thức khác của người bệnh.

- Từ đó, họ trở nên hay quên, gây ra nhiều lo âu cho người bệnh và người nhà.

Nguyên nhân

- Các nhà khoa học cho rằng nguyên nhân gây ra bệnh Alzheimer không chỉ có một mà là tổng hợp của nhiều yếu tố. Trong đó, yếu tố hàng đầu là tuổi tác.

- Một số ít trường hợp Alzheimer có thể xuất hiện sớm ở độ tuổi 30-60. Phần lớn trường hợp này có liên quan đến yếu tố di truyền.

- Ngoài ra, còn rất nhiều yếu tố khác liên quan đến môi trường, tình trạng bệnh lý có thể có khả năng thúc đẩy bệnh phát triển như:

* Chấn thương đầu.

* Xơ vữa mạch máu, tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu.

* Cuộc sống căng thẳng nhiều lo âu và thường xuyên mất ngủ.

* Lối sống không lành mạnh như ít vận động, ít rèn luyện trí óc, ít giao tiếp xã hội, thừa cân, hút thuốc lá, sử dụng bia rượu.

Triệu chứng

- Triệu chứng Alzheimer sẽ tiến triển nặng dần theo thời gian.

* Ở giai đoạn sớm, các than phiền chủ yếu là giảm trí nhớ ở mức độ nhẹ.

* Khi bệnh trở nên nặng hơn, người bệnh lú lẫn nhiều, mất khả năng trò chuyện và tương tác với mọi người xung quanh, không thể tự mình ăn uống, tắm rửa hay vệ sinh cá nhân và phải phụ thuộc hoàn toàn vào người chăm sóc.

- Mỗi người bệnh đều có những biểu hiện khác nhau, không giống nhau hoàn toàn.

- Dấu hiệu sớm của bệnh Alzheimer:

* Giảm trí nhớ: Bệnh nhân quên các sự việc diễn ra gần đây. Các sự việc diễn ra đã lâu trong quá khứ, ban đầu người bệnh vẫn nhớ được, sau dần cũng bị mất đi và sự mất trí nhớ này là vĩnh viễn.

* Khó khăn trong việc diễn đạt bằng ngôn ngữ.

* Thay đổi hành vi, tâm trạng và tính cách.

* Khó khăn trong việc thực hiện các công việc quen thuộc thường ngày.

* Khó khăn trong việc định hướng thời gian và vị trí của bản thân.

* Giảm khả năng đánh giá vấn đề, gây khó khăn trong việc quyết định công việc.

* Khó khăn trong việc theo dõi cuộc trò chuyện.

* Hay làm mất đồ, phải đi lục tìm đồ đạc thường xuyên.

* Gặp khó khăn trong việc hiểu các thông tin thông qua thị giác hay trong không gian. Ví dụ không xác định được màu đèn tín hiệu giao thông để dừng xe hay đi tiếp.

* Phải ngừng công việc hiện tại hoặc các hoạt động xã hội.

Chẩn đoán

- Đối với bệnh nhân có biểu hiện quên, bác sĩ sẽ sử dụng nhiều công cụ và bài kiểm tra để đánh giá, chẩn đoán họ có thể mắc bệnh Alzheimer, bao gồm:

* Hỏi người bệnh và người thân về biểu hiện, thời gian và tiến triển bệnh, các bệnh lý mạn tính, thuốc đang sử dụng, thói quen sinh hoạt và chế độ dinh dưỡng.

* Đánh giá trí nhớ, các chức năng nhận thức (tập trung, ngôn ngữ, chức năng điều hành, vận động không gian) và các rối loạn hành vi tâm lý bằng các bài kiểm tra đã được chuẩn hóa.

* Xét nghiệm máu, chụp hình ảnh học sọ não (CT scan, MRI sọ não).

* Xét nghiệm dịch não tủy, di truyền học, hình ảnh học hạt nhân (amyloid PET, tau PET) trong số ít trường hợp biểu hiện không điển hình.

- Những bài đánh giá này nhằm xác định những nguyên nhân khác có thể gây ra tình trạng suy giảm trí nhớ như đột quỵ, u não, viêm nhiễm, bệnh Parkinson, rối loạn giấc ngủ, thiếu dinh dưỡng hay do tác dụng phụ của thuốc.

- Một số nguyên nhân và yếu tố thúc đẩy nếu điều trị được có thể làm cải thiện tình trạng bệnh.

Nguy cơ tử vong

- Trung bình người bị mắc bệnh lý này có thể sống được 8-10 năm kể từ khi có triệu chứng bệnh. Tuy nhiên, vẫn có trường hợp có thể sống lâu hơn nếu được phát hiện, điều trị và quản lý đúng cách.

- Những người bệnh Alzheimer giai đoạn nặng không thể tự chăm sóc bản thân, sinh hoạt tại chỗ và phụ thuộc hoàn toàn vào người nhà. Hoạt động của đường tiêu hóa và tiết niệu bị suy giảm. Lâu dần, họ mất khả năng nuốt, gây nên tình trạng suy dinh dưỡng và hít sặc. Do đó, người bệnh thường tử vong do các bệnh lý có liên quan như viêm phổi, nhiễm trùng vết loét, bệnh lý tim mạch, thuyên tắc phổi, suy dinh dưỡng và mất nước...

Điều trị

- Hiện nay, chưa có cách nào để điều trị khỏi bệnh Alzheimer. Mục tiêu chính là:

* Làm chậm quá trình tiến triển của bệnh và giảm nhẹ các triệu chứng.

* Giúp người bệnh sống chung với các triệu chứng bệnh một cách nhẹ nhàng hơn.

* Góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân.

- Thuốc điều trị bệnh bao gồm:

* Nhóm thuốc cải thiện trí nhớ, nhận thức.

* Nhóm thuốc điều chỉnh hành vi tâm lý.

* Hiện nay, FDA (Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ) đã chấp thuận nhóm thuốc mới như Lecanemab và Aducanumab trong điều trị bệnh Alzheimer giai đoạn sớm, giúp ngăn chặn sự hình thành mảng beta-amyloid - dấu chỉ điểm của bệnh. Các loại thuốc này cần được kê đơn và tư vấn bởi các bác sĩ chuyên khoa.

- Tập luyện, phục hồi và kích thích nhận thức cũng là một biện pháp cần thiết và hữu ích khi phối hợp với thuốc điều trị.

- Bác sĩ chuyên khoa tư vấn các bài tập luyện não bộ phù hợp với tình trạng và giai đoạn bệnh của từng cá nhân.

- Người bệnh Alzheimer cần được xây dựng một chế độ dinh dưỡng, tập luyện và lối sống lành mạnh để giúp ổn định tình trạng bệnh, kiểm soát các yếu tố có thể thúc đẩy tình trạng bệnh nặng hơn.

- Sự động viên, đồng hành của người thân rất có ý nghĩa và cần thiết, giúp người bệnh Alzheimer lạc quan hơn, vui vẻ hơn để có niềm tin vào hành trình chiến thắng bệnh tật.

Phòng ngừa

Chúng ta có thể làm giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh Alzheimer bằng nhiều cách như:

- Vận động trí óc, không ngừng học hỏi.

- Duy trì cân nặng thích hợp.

- Cải thiện chế độ ăn uống, dinh dưỡng, bổ sung đầy đủ vitamin B12, D và E.

- Ổn định huyết áp, lượng đường trong máu.

- Tập thể dục.

- Không hút thuốc, uống quá nhiều bia rượu.

- Cải thiện giấc ngủ.

Theo Mỹ Ý


 

Thứ Ba, 30 tháng 1, 2024

5 thói quen ăn uống giúp hạ huyết áp cao

 Người bệnh cao huyết áp nên ăn nhiều trái cây, rau, ngũ cốc nguyên hạt, sữa chua và cắt giảm lượng muối để kiểm soát chỉ số tốt hơn.

Huyết áp cao xảy ra khi chỉ số huyết áp tâm thu ≥140 mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương ≥ 90 mmHg. Chưa phát hiện bệnh hoặc không kiểm soát kịp thời có thể dẫn đến nhiều vấn đề sức khỏe như đau tim, đột quỵ, suy tim.

Chế độ ăn uống đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát huyết áp. Một số thói quen ăn uống dưới đây hỗ trợ cho người bệnh.

Ăn nhiều trái cây và rau củ

Trái cây, rau củ không chỉ cung cấp kali, canxi, magiê và chất xơ dồi dào mà còn chứa ít natri nên tốt cho người cao huyết áp. Viện Tim, Phổi và Máu Quốc gia Mỹ (NHLBI) khuyến khích người bệnh cao huyết áp ưu tiên chế độ ăn DASH. Đây là phương pháp ăn lành mạnh với 4-5 phần rau củ và trái cây mỗi ngày.

Ngoài trái cây tươi, người bệnh có thể dùng loại đông lạnh, đóng hộp, sấy khô, miễn là không thêm muối hoặc chất bảo quản. Cách đơn giản giúp bổ sung trái cây, rau vào chế độ ăn uống như ăn bánh mì nướng khoai tây với trái bơ, rau sống vào bữa sáng; sữa chua với quả mọng, salad nấm cùng rau xanh cho bữa phụ.

Ăn nhiều trái cây rau cung cấp các chất dinh dưỡng như kali, magiê, chất xơ hỗ trợ kiểm soát huyết áp. Ảnh: Freepik© Được VnExpress cung cấp

Ưu tiên ngũ cốc nguyên hạt

Chế độ ăn DASH có 6-8 bữa ngũ cốc mỗi ngày, ưu tiên các loại ngũ cốc nguyên hạt như gạo lứt, hạt quinoa, bánh mì nguyên hạt và yến mạch.

Một số công thức nấu ăn với ngũ cốc nguyên hạt đơn giản bao gồm cháo gạo lứt, bột yến mạch cùng nho khô, cháo yến mạch.

Tăng cường sữa, phô mai và sữa chua

Tiêu thụ các sản phẩm từ sữa (sữa, phô mai, sữa chua ít béo hoặc không béo), khoảng 2-3 bữa mỗi ngày hỗ trợ giảm chỉ số huyết áp tâm thu và tâm trương.

Để tăng thêm khẩu vị và bổ sung thêm lượng chất xơ, người bệnh có thể kết hợp uống sữa cùng yến mạch, sữa chua cùng trái cây và thêm phô mai vào bánh mì nướng nguyên hạt.

Giảm muối

Hiệp hội Tim mạch Mỹ khuyến nghị người cao huyết áp nên duy trì lượng natri 1.500 mg mỗi ngày, tương đương 2/3 thìa cà phê muối giúp giảm chỉ số.

Một số thực phẩm thường chứa nhiều muối như bánh sandwich, mì ống và các món ăn hỗn hợp làm từ ngũ cốc khác như pizza, khoai tây chiên, bánh quy giòn và soup. Với sản phẩm đóng gói sẵn, người bệnh cần đọc thông tin trên nhãn dinh dưỡng và hạn chế ăn ngoài. Nấu ăn tại nhà có thể kiểm soát lượng natri tốt hơn.

Chọn thịt nạc thay thịt mỡ

Thịt nạc phù hợp cho chế độ ăn uống cân bằng huyết áp. Bộ Nông nghiệp Mỹ định nghĩa thịt nạc là loại có ít hơn 10 g chất béo, 4,5 g chất béo bão hòa và dưới 95 mg cholesterol với mỗi khẩu phần 100 g.

Protein nạc từ động vật thường là ức gà không da, thịt thăn bò, thịt lợn thăn, gà tây nạc. Chúng đều cung cấp protein chất lượng cao và các chất dinh dưỡng kiểm soát huyết áp.

Bảo Bảo (Theo Eat This Not That, Healthline)


Thứ Bảy, 20 tháng 1, 2024

Những dạng rối loạn tiền đình thường gặp

 Rối loạn tiền đình xảy ra khi hệ thống cân bằng của cơ thể gặp vấn đề, được chia làm nhiều loại như chóng mặt tư thế kịch phát, đau nửa đầu tiền đình.

Sự phối hợp giữa tai trong và não giúp giữ thăng bằng khi đi đứng, được gọi là hệ thống tiền đình. Triệu chứng rối loạn tiền đình phổ biến là chóng mặt, khó giữ thăng bằng. Một số người khác có thể gặp vấn đề về thính giác và thị giác. Dưới đây là một số dạng rối loạn tiền đình thường gặp.

1.Bệnh chóng mặt tư thế kịch phát lành tính (BPPV)

Đây là nguyên nhân phổ biến nhất gây chóng mặt do thay đổi tư thế, tức cảm giác đột ngột khiến quay cuồng, lắc lư. Cơn chóng mặt thường ngắn, dưới 60 giây. Bệnh xảy ra khi các tinh thể canxi cacbonat nhỏ trong tai di chuyển không đúng vị trí, khiến tai trong báo hiệu sai thông tin cho não, tạo ra ảo giác chuyển động.

Các yếu tố có thể dẫn đến chóng mặt tư thế kịch phát lành tính như phẫu thuật tai, viêm tai giữa, chấn thương đầu... Bệnh có thể được điều trị thông qua các bài tập cử động đầu do bác sĩ hướng dẫn.

2.Viêm mê cung

Viêm mê cung là bệnh nhiễm trùng tai trong, xảy ra khi mê cung - cấu trúc mỏng nằm sâu bên trong tai bị viêm. Viêm mê cung ảnh hưởng đến khả năng giữ thăng bằng, thính giác. Người bệnh có thể bị đau tai, áp lực, mủ hoặc chất lỏng chảy ra từ tai, buồn nôn và sốt cao.

Nếu nguyên nhân gây viêm mê cung do nhiễm trùng, bạn có thể phải điều trị bằng kháng sinh để giảm viêm, chóng mặt, buồn nôn.

3.Viêm dây thần kinh tiền đình

Cơ thể nhiễm virus do các bệnh như thủy đậu, sởi có thể dẫn đến viêm dây thần kinh tiền đình. Đây là dạng rối loạn ảnh hưởng đến dây thần kinh gửi thông tin âm thanh và cân bằng từ tai trong đến não. Triệu chứng phổ biến là chóng mặt đột ngột, buồn nôn, nôn và khó đi lại.

4.Bệnh Meniere

Bệnh Meniere là dạng rối loạn tai trong, áp suất và thể tích trong nội dịch mê đạo ảnh hưởng đến chức năng của tai trong. Người mắc chứng rối loạn này thường đột ngột bị chóng mặt, ù tai (âm thanh như tiếng chuông, tiếng ù hoặc tiếng ầm ĩ trong tai), mất thính lực, cảm giác đầy ứ ở tai bị ảnh hưởng. Tình trạng mất thính lực nặng hơn theo thời gian, nếu không được điều trị có thể gây mất thính lực vĩnh viễn.

Một số thay đổi trong lối sống như cắt giảm muối, caffeine và rượu góp phần giảm đau do bệnh Meniere.

5.Rò ngoại dịch

Rò ngoại dịch là vết rách hoặc khiếm khuyết ở tai giữa và tai trong, tạo ra nhiều chất lỏng trong tai, gây chóng mặt, có thể mất thính giác. Người bệnh có thể bị rò ngoại dịch bẩm sinh hoặc do chấn thương khí áp (tăng áp lực trong tai), chấn thương đầu. Phẫu thuật có thể giúp sửa chữa các lỗ rò ngoại dịch.

6.U dây thần kinh âm thanh

Khối u ở tai trong này không phải là ung thư, thường phát triển chậm, dễ chèn ép các dây thần kinh kiểm soát thính giác và thăng bằng dẫn đến mất thính giác, ù tai và chóng mặt. Trong một số trường hợp, khối u thần kinh có thể đè lên dây thần kinh mặt, gây tê.

U dây thần kinh thính giác có thể được loại bỏ bằng phẫu thuật hoặc điều trị bằng tia xạ để ngăn chặn phát triển.

7.Đau nửa đầu tiền đình

Não gửi tín hiệu sai đến hệ thống thăng bằng, có thể dẫn đến đau đầu dữ dội, chóng mặt, nhạy cảm với ánh sáng hoặc âm thanh, mất thính lực, ù tai. Đau nửa đầu tiền đình kéo dài vài giờ đến một vài ngày. Bệnh thường xuất hiện ở người có tiền sử đau nửa đầu.

Người thường xuyên bị chứng đau nửa đầu tiền đình nên đi khám để bác sĩ điều trị phù hợp, tránh biến chứng.

Anh Chi (Theo WebMD)