THÚ VUI CỦA NGƯỜI GIÀ: ĂN bánh chưng NGÀY TẾT

Thứ Hai, 5 tháng 2, 2024

ĂN bánh chưng NGÀY TẾT

 Người huyết áp cao ăn bánh chưng có nguy cơ đột quỵ không?

Tôi 65 tuổi, huyết áp cao nhưng rất thích ăn bánh chưng, bánh tét chiên trong ngày Tết. Thói quen này có dẫn đến đột quỵ không? (Trần Bằng, TP HCM)

Trả lời:

Hiện chưa có nghiên cứu nào cho thấy ăn bánh chưng, bánh tét gây ra đột quỵ. Tuy nhiên, ăn quá nhiều các món này, nhất là loại chiên rán, góp phần khởi phát hoặc tăng nặng các bệnh nền sẵn có như tim mạch, tăng huyết áp, xơ vữa mạch máu. Các bệnh này có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ.

Bánh chưng, bánh tét luộc, hấp hay chiên giòn chứa nhiều chất béo, tinh bột, đạm. Tiêu thụ quá nhiều chất béo dẫn đến thừa cân, mỡ máu cao, tăng khả năng hình thành mảng xơ vữa mạch máu, tăng huyết áp.

Một chiếc bánh chưng cỡ vừa (trọng lượng khoảng 114 g) có 204 kcal, khoảng 5 g chất đạm, 6 g chất béo, 34 g chất bột đường. Trung bình 1/4 chiếc bánh chưng có khoảng 500 calo (tương đương hai chén cơm), chứa nhiều năng lượng.

Người dùng nhiều bánh chưng rán thường bị đầy hơi, chướng bụng, khó tiêu cũng dễ dẫn đến tăng huyết áp, đường huyết cao, mỡ máu cao - những yếu tố nguy cơ đột quỵ.

Nếu anh bị tăng huyết áp, đái tháo đường, béo phì, tăng mỡ máu và lớn tuổi thì hạn chế bánh chưng. Có thể dùng khoảng 100 g bánh chưng (tức 1/8 chiếc bánh) hoặc một khoanh bánh tét mỏng mỗi ngày. Nên ăn vào bữa sáng hoặc trưa, tránh vào bữa tối vì dễ bị khó tiêu. Nên kết hợp bánh chưng, bánh tét với các loại củ ngâm chua để chống ngán. Hạn chế ăn bánh chưng kèm với hành muối hoặc củ kiệu vì nhiều muối gây tăng huyết áp.

Các thông tin trên mang tính tham khảo chung. Mỗi người có tình trạng sức khỏe và bệnh lý riêng nên có thể đi khám để bác sĩ tư vấn cụ thể. Người bệnh tăng huyết áp hay đái tháo đường, tăng mỡ máu nên tái khám định kỳ và dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ (nếu có).

TS.BS Nguyễn Thị Minh Đức

Trưởng Khoa Thần kinh, Trung tâm Khoa học Thần kinh

Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét