Uống ít nước hoặc dùng một số loại thuốc có thể khiến nước tiểu có mùi ngọt, nhưng tình trạng này thường là dấu hiệu của nhiễm trùng hoặc bệnh lý tiềm ẩn.
Tiểu đường
Nước tiểu có mùi ngọt như trái cây đôi khi là dấu hiệu đầu tiên của bệnh tiểu đường. Lượng đường trong máu cao (tăng đường huyết) thường gặp ở người mắc tiểu đường chưa được chẩn đoán hoặc kiểm soát bệnh kém. Các dấu hiệu khác bao gồm khát nước nhiều, đi tiểu thường xuyên.
Nhiễm toan đái tháo đường
Nước tiểu có mùi ngọt là dấu hiệu của biến chứng nhiễm toan đái tháo đường (DKA), xảy ra khi các chất hóa học gọi là ceton tích tụ khiến máu có tính axit cao.
Các tế bào của người mắc bệnh tiểu đường gặp khó nhận lượng glucose cần thiết để tạo năng lượng. Nguyên nhân có thể do cơ thể không đủ insulin, tình trạng kháng insulin phát triển hoặc không có đủ đường trong máu (hạ đường huyết). Nếu các tế bào không thể tiếp cận glucose, chúng sẽ phân hủy chất béo để lấy năng lượng. Các chất hóa học được tạo ra trong quá trình này được gọi là ceton.
Ngoài nước tiểu có mùi trái cây, dấu hiệu ban đầu của DKA còn bao gồm khát, khô miệng, tăng đường huyết. Khi bệnh tiến triển, người bệnh có thể buồn nôn, nôn hoặc đau bụng, thường xuyên mệt mỏi, da khô hoặc đỏ bừng, hơi thở có mùi trái cây, khó thở, lú lẫn. Nếu không được điều trị, bệnh nhân có thể hôn mê hoặc tử vong.
Nhiễm trùng đường tiết niệu
Nhiễm trùng đường tiết niệu (UTI) xảy ra khi vi khuẩn xâm nhập vào các cơ quan trong hệ tiết niệu như thận, niệu quản, bàng quang, niệu đạo. UTI rất phổ biến, nhất là ở nữ giới, do cấu trúc niệu đạo ngắn hơn nam giới và nhiều thay đổi sau quá trình mang thai, sinh con, mãn kinh.
UTI thường khiến nước tiểu có mùi hôi nhưng cũng có thể gây ra mùi ngọt. Các triệu chứng khác bao gồm đi tiểu thường xuyên, tiểu gấp, tiểu rát, tiểu đêm, són tiểu, tiểu máu, đau bên hông, bụng, lưng dưới. Trường hợp nặng có thể sốt, nôn mửa.
Bệnh gan
Người mắc bệnh gan thường trải qua một tình trạng gọi là hôi miệng trong suy gan (Foetor Hepaticus). Hơi thở có mùi trái cây suốt thời gian dài nhưng không liên quan đến sức khỏe răng miệng. Chức năng gan suy giảm khiến các hợp chất như mercaptans và dimethyl sulfide tích tụ trong máu, sau đó được cơ thể thải ra qua phổi, khiến hơi thở có mùi. Tình trạng này cũng có thể làm nước tiểu có mùi ngọt.
Siro niệu
Siro niệu là một rối loạn chuyển hóa protein di truyền khiến trẻ sơ sinh không thể xử lý axit amin đúng cách. Các axit amin này phải thoát ra khỏi cơ thể qua nước tiểu, gây ra mùi như siro. Bệnh khiến trẻ ăn kém, nôn mửa, mệt mỏi, chậm phát triển. Nếu bệnh không được điều trị, trẻ có thể co giật, hôn mê và tử vong.
Ngoài những bệnh lý trên, một số lý do ít nghiêm trọng hơn có thể khiến nước tiểu có mùi ngọt. Mất nước khiến nước tiểu đậm đặc và có mùi mạnh hơn. Khi nước tiểu có mùi ngọt hoặc nồng và màu vàng đậm, nên uống nhiều nước hơn.
Các chế độ ăn kiêng carbohydrate như keto cũng gây mùi bất thường hoặc mùi trái cây. Một số loại thuốc có tác dụng phụ là làm lượng đường trong máu cao và nước tiểu có mùi ngọt như corticosteroid, thuốc chẹn beta, thuốc lợi tiểu, một số loại kháng sinh, thuốc tránh thai và thuốc chống loạn thần. Sử dụng thực phẩm bổ sung có chứa vitamin B6 hoặc nhiễm trùng nấm men cũng có thể là nguyên nhân.
Nếu tình trạng này kéo dài hoặc xảy ra thường xuyên, bạn nên đi khám để được xét nghiệm nước tiểu tìm nguyên nhân gây mùi. Bác sĩ cũng có thể yêu cầu xét nghiệm máu, chẩn đoán hình ảnh, phân tích di truyền. Phương pháp điều trị phụ thuộc vào nguyên nhân gây mùi.
Anh Ngọc (Theo Verywell Health)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét